Bộ trưởng Bộ Nội vụ Kazakhstan Yerlan Turgumbayev ngày 9-1 thông báo lực lượng an ninh đến nay đã bắt giữ gần 6.000 người liên quan đến các cuộc biểu tình, trong đó có nhiều công dân nước ngoài.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết nhiều "cơ sở chiến lược" ở quốc gia của ông đang được Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) bảo vệ và tình hình đã ổn định trên khắp cả nước.
Theo yêu cầu của Tổng thống Tokayev, tổ chức do Nga dẫn đầu nêu trên đã điều động binh sĩ đến Kazakhstan nhằm hỗ trợ khôi phục trật tự, một động thái khiến căng thẳng Mỹ - Nga leo thang trước thềm các cuộc đàm phán mới bắt đầu vào ngày 10-1 giữa quan chức hai nước ở Thụy Sĩ.
Một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh Kazakhstan có thể gặp khó khăn trong việc yêu cầu binh sĩ Nga rời khỏi đất nước khi bất ổn chấm dứt, Bộ Ngoại giao Nga hôm 8-1 mô tả bình luận này là "một sự xúc phạm".
Lực lượng thực thi pháp luật kiểm tra người đi đường ở TP Almaty - Kazakhstan hôm 8-1. Ảnh: REUTERS
Cáo buộc Ngoại trưởng Blinken "đùa giỡn về những sự kiện bi thương ở Kazakhstan", Bộ Ngoại giao Nga đồng thời yêu cầu Washington phân tích "lịch sử xâm lược" của họ ở những quốc gia như Iraq.
Cùng với quyết định điều lính dù đến Kazakhstan của Nga, màn đấu khẩu gay gắt nêu trên cho thấy bất ổn Kazakhstan có thể khiến đàm phán Moscow - Washington thêm phần phức tạp.
Câu hỏi đặt ra là liệu những diễn biến ở Kazakhstan có khiến Điện Kremlin thay đổi toan tính liên quan đến Ukraine hay không.
Theo hãng tin AP, trong khi một vài chuyên gia nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn tham gia cùng lúc 2 cuộc xung đột, không ít người tin rằng Moscow có đủ năng lực quân sự để làm điều này và quyết định tấn công Ukraine nếu có sẽ được ông chủ Điện Kremlin suy xét riêng.
Bà Fiona Hill, cựu giám đốc cấp cao về châu Âu và Nga của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định làn sóng bạo lực ở Kazakhstan có thể thôi thúc Tổng thống Putin "làm điều gì đó" ở Ukraine để tái khẳng định vị thế trên toàn khu vực.
Hai ngày trước khi vòng đàm phán mới bắt đầu ở Thụy Sĩ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-1 tuyên bố Washington sẵn sàng thảo luận với Moscow về khả năng hạn chế triển khai tên lửa tấn công đến Ukraine, cũng như giới hạn các cuộc tập trận Mỹ - NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở Đông Âu.
Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh mọi thỏa thuận tiềm năng đều phụ thuộc vào việc Moscow loại bỏ các mối đe dọa nhằm vào Ukraine. Washington sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào nếu không có sự đồng thuận của NATO và Ukraine.
Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden khẳng định Nga sẽ phải trả giá đắt về mặt kinh tế. Ngoài các biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào các thực thể Nga, lệnh trả đũa có thể bao gồm những hạn chế đáng kể liên quan đến hoạt động nhập khẩu của Nga đối với hàng hóa Mỹ và những sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài nhưng thuộc quyền tài phán của Mỹ.
Cũng trong ngày 8-1, một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ với đài CNBC rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ không đưa ra bất cứ cam kết nào trong đợt đàm phán này. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ xem xét lại trước khi bàn bạc thêm với các đối tác và đồng minh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 9-1 khẳng định quốc gia của ông "rất thất vọng" với các tín hiệu đến từ Washington và Brussels, đặc biệt là khi Mỹ khăng khăng đòi Moscow nhượng bộ đơn phương trước thềm đàm phán.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ không nhượng bộ dưới sức ép và những lời lẽ đe dọa từ phương Tây, bởi điều này đi ngược lại lợi ích của chúng tôi" - Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh.
Bình luận (0)