Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) hôm 21-4 cho biết họ phát hiện máy bay quân sự Nga hoạt động ở gần vùng biển ngoài khơi bang Alaska trong 4 ngày liên tiếp tuần này.
“Trở lại cuộc chơi”
Theo NORAD, 2 lần gần đây nhất máy bay Nga bị phát hiện ở gần vùng biển Alaska là vào ngày 19 và 20-4. Xuất hiện hôm 19-4 là 2 máy bay tuần tra hàng hải IL-38. Sau đó một ngày là 2 máy bay ném bom hạt nhân Tu-95 Bear. Các máy bay này không xâm phạm không phận Mỹ. Tuy nhiên, chiến đấu cơ F-22 (Mỹ) và CF-18 (Canada) đã được phái đi để ứng phó sau khi 2 chiếc Tu-95 Bear đã đi vào vùng nhận dạng phòng không Alaska - được xem là vùng đệm cho phép nhận dạng máy bay di chuyển hướng về phía Bắc Mỹ.
Trước đó, hôm 17-4, Mỹ cũng điều F-22 đi chặn 2 máy bay ném bom Nga đang áp sát không phận Mỹ ở vị trí cách đảo Kodiak, bang Alaska khoảng 160 km. Chưa đầy 24 giờ sau, 2 máy bay ném bom Nga bị phát hiện ở khu vực này.
Mặc dù máy bay Nga không gây ra các mối đe dọa về quân sự nhưng vẫn khiến Mỹ phải chú ý vì tần suất xuất hiện dày đặc trong những ngày qua. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này thường xuyên tiến hành các nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển Bắc Cực, Đại Tây Dương, biển Đen, Thái Bình Dương và mọi sứ mệnh đều tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng biên giới các nước. Tuy nhiên, theo cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Howard Stoffer, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn chứng tỏ Moscow “trở lại cuộc chơi” thông qua các chuyến bay nói trên. “Nga muốn cho Mỹ thấy rằng người Nga có mặt ở mọi nơi” - ông Stoffer nhận định với đài CNN.
Tạp chí Foreign Policy nhắc nhở rằng sự đối đầu giữa máy bay, tàu chiến Nga với Mỹ và NATO ở các khu vực biển Baltic và biển Đen xảy ra khá thường xuyên trong những năm qua. Tại vùng trời biển Baltic, không xa bờ biển các nước thành viên NATO như Estonia, Latvia, Lithuania, máy bay quân sự Nga từng bị chặn 110 lần trong năm 2016, dù con số này giảm so với mức 160 lần năm 2015. Hồi tháng 2, một số máy bay Nga tiếp cận tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ ở biển Đen. Tuy nhiên, việc Nga đưa máy bay áp sát Alaska là điều chưa từng có kể từ năm 2014.
Can dự biển Đông
Hiện chưa rõ động thái trên có liên quan gì đến những bất đồng chiến lược giữa Mỹ và Nga trong thời gian gần đây hay không. Vào đầu tháng 4, Mỹ tiến hành không kích một căn cứ không quân của Syria để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bị quy trách nhiệm cho chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Moscow lập tức lên án hành động quân sự này của Washington. Trước đó, giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại trước điều mà họ gọi là sự gia tăng hoạt động về ngoại giao và quân sự của Nga tại những nước như Libya, Afghanistan… nhằm “phá hoại NATO và Mỹ”.
Chưa hết, Nga được cho là đang tăng cường can dự vào cuộc tranh chấp ở biển Đông - được Mỹ xem là một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại. Chuyên trang địa - chính trị ISN Security Watch nhận định chính sách của Nga về biển Đông phức tạp hơn nhiều so với bề ngoài. Quan điểm chính thức lâu nay của Nga là không can thiệp vào tình hình biển Đông và không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp.
Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố chính thức này là Nga đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương và ký thỏa thuận vũ khí, năng lượng trị giá nhiều tỉ USD với các đối tác trong khu vực. Có thể thấy rằng Nga có những mục tiêu, lợi ích và hành động chiến lược chịu tác động trực tiếp bởi cục diện biển Đông. Chẳng hạn, 1/4 chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga từ giờ đến năm 2020 được dành cho Hạm đội Thái Bình Dương đặt căn cứ tại TP Vladivostok, qua đó hạm đội mở rộng hoạt động đến các vùng biển xa.
Nhìn chung, thông qua những bước đi ở biển Đông, Nga muốn thách thức hơn nữa trật tự đơn cực do Mỹ đứng đầu - điều từng được thể hiện thông qua chính sách của Moscow đối với Georgia, Ukraine, Syria… Ngoài ra, Nga còn muốn đa dạng hóa quan hệ với các nước ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như ngăn chặn bất kỳ tình trạng bất ổn nào có thể đe dọa lợi ích kinh tế của mình tại khu vực.
Bình luận (0)