Lần đầu tiên máy bay Nga lượn lờ ngoài khơi bang Alaska trong tuần này là vào hôm 17-4. Khi đó, Mỹ triển khai 2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 cùng 1 máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry để “chặn máy bay Nga”, cách đảo Kodiak 160 km. Đó là 2 chiếc Tu-95MS (Nga) có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, đến lần thứ hai, tức vào hôm 18-4, không lực Mỹ chỉ gửi E-3 Sentry để theo dõi tình hình. Các quan chức Mỹ khẳng định với đài Fox News rằng lần này, máy bay Nga hoạt động cách đất liền khoảng 67 km trước khi hướng về phía Bắc quần đảo Aleutian.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận máy bay F-22 của Mỹ đã “bám đuôi” 2 chiếc Tu-95MS suốt 27 phút cho đến khi máy bay Nga rời khỏi Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Mỹ.
Theo bộ này, máy bay Nga đã tiến hành một cuộc tuần tra trên không phận quốc tế ở Thái Bình Dương. Hai chiếc Tu-95MS trở lại căn cứ ở vùng Amur sau khi bay khoảng 5.000 km với tốc độ lên đến 850 km/giờ và tại độ cao lên tới 10 km.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh họ thường triển khai máy bay tại các vùng biển trung lập, bao gồm Bắc Cực, biển Đen, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hoạt động của máy bay Nga không vi phạm quy tắc quốc tế cũng không vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, bộ này cho biết thêm.
Tổng biên tập tạp chí quân sự Arsenal of the Fatherlan nổi tiếng của Nga, ông Alexei Leonkov, bình luận: “Mỹ đã làm đúng khi không triển khai chiến đấu cơ lần thứ hai hôm 18-4. Các chuyến bay chiến lược và tầm xa kiểu như vậy thường diễn ra. Ngay cả máy bay trinh sát Mỹ cũng hay xuất hiện trên bờ biển của chúng tôi”.
Ông Leonkov lưu ý thêm: “Khi triển khai các chuyến bay như trên, các nước thường thông báo cho nhau rằng chúng không mang vũ khí hạt nhân, chỉ là bay huấn luyện… Có thể lần thứ hai Mỹ đã nhận ra máy bay Nga không có ý đe dọa nên không cần thiết phải điều máy bay chiến đấu”.
Lần cuối cùng máy bay ném bom Nga xuất hiện gần lãnh thổ Mỹ là vào tháng 7-2015. Hai chiếc Tu-95 bay dọc theo bờ biển hai Alaska và California.
Hãng tin RIA Novosti đặt câu hỏi giả dụ máy bay Nga tiến hành hoạt động đào tạo thì nội dung đào tạo đó là gì? Có một vài lý do để Nga triển khai máy bay gần lãnh thổ Mỹ, theo trang Sputnik..
Thứ nhất, ngoài mang được bom hạt nhân, Tu-95MS còn có khả năng chở tên lửa hành trình. Moscow gần đây phô diễn khả năng này nhằm “dằn mặt” tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phong trào Mặt trận Al- Nusra ở Syria.
Thứ hai, các tướng lãnh Mỹ tin rằng Nga muốn đang muốn theo dõi Hệ thống phòng không Bắc Mỹ (NORAD) khi điều máy bay tới Thái Bình Dương.
"Ở Alaska có một căn cứ không quân quan trọng của Mỹ, đó là Elmendorf, với 2 đường băng và được dùng để vận chuyển binh lính, hàng hóa tới vùng Viễn Đông và Đông Nam Á. Từ căn cứ này cũng triển khai thử nghiệm thiết bị hàng không và huấn luyện binh sĩ ở Bắc cực. Gần đó còn có căn cứ Fort Richardson của lục quân Mỹ" - trang tin lý giải về chuyện Nga "đương nhiên không thể bỏ lơ các cơ sở quân sự quan trọng ngay sát mình như thế".
Vào năm tới, Bộ Quốc phòng Nga dự định hoàn thành việc triển khai mạng lưới phòng thủ bờ biển mới ở Chukotka, nơi hẹp nhất cách biên giới Mỹ chưa đến 100 km. Mạng lưới này có thể được trang bị hệ thống tên lửa bờ biển Bastion, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander, hệ thống phòng không tiên tiến S-400 và tích hợp vào hệ thống phòng thủ Viễn Đông của Nga.
Bình luận (0)