Đó là nhận định được Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển đưa ra trong bản báo cáo thường niên hôm 15-6.
Theo báo cáo, cả Mỹ và Nga vẫn tiếp tục nâng cấp kho vũ khí hạt nhân cũng như trì hoãn quá trình giải trừ vũ khí bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế.
Thống kê của SIPRI cho thấy số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm từ 22.600 xuống còn 15.850 trong giai đoạn 2010-2015. Số đầu đạn hạt nhân này thuộc sở hữu của 9 quốc gia: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), đứng đầu là Nga với 7.500 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ có 7.260. Tuy nhiên, các chuyên gia SIPRI nhận định sự sụt giảm này không có nghĩa là các nước đang tiến đến một tương lai phi hạt nhân. Thay vào đó, họ đang chạy đua để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Một diễn biến đáng lo ngại nữa là Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Theo SIPRI, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã tăng từ 250 lên 260 đơn vị trong năm ngoái.
Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba kho vũ khí hạt nhân của mình trong 10-15 năm tới. Những diễn biến này nhấn mạnh nỗi lo về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại châu Á và hiểm họa vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Bình luận (0)