Hạm đội 2 ngừng hoạt động vào tháng 9-2011, sau 65 năm tồn tại, nhằm tiết kiệm chi phí và tái cấu trúc lực lượng. Quyết định hồi sinh hạm đội này được công bố trong lễ chuyển giao quyền chỉ huy cho Bộ Chỉ huy lực lượng hạm đội Mỹ hôm 4-5.
Thủy thủ Pháp theo dõi tàu sân bay Mỹ USS George H. W. Bush di chuyển dọc theo tàu khu trục Forbin của Pháp hồi tháng 10-2017. Ảnh: US NAVY
Chính thức tái hoạt động từ ngày 1-7 tới, Hạm đội 2 trở lại nằm trong bước chuyển của Mỹ nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng giữa các siêu cường – và chủ yếu nhằm đối phó Nga.
"Chiến lược Quốc phòng quốc gia đã nói rõ chúng ta sẽ quay lại kỷ nguyên cạnh tranh giữa các siêu cường giữa lúc môi trường an ninh tiếp tục diễn biến phức tạp và đầy thử thách" – Đô đốc John Richardson, chỉ huy các chiến dịch hải quân của Mỹ, nhấn mạnh hôm 4-5.
Cho tới trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, lực lượng hải quân Mỹ trên Đại Tây Dương chủ yếu tập trung vào các sứ mệnh nhân đạo, cứu trợ thảm họa và ngăn chặn buôn lậu thuốc phiện.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hải quân Nga tăng cường hoạt động trên Đại Tây Dương. Dù quy mô nhỏ hơn nhưng Nga đẩy mạnh hiện đại hóa, nhất là cho hai hạm đội Biển Đen và Phương Bắc. Riêng Hạm đội Phương Bắc đóng quân tại bán đảo Kola ở Bắc cực - rất gần Na Uy (thuộc NATO) – và bao gồm lực lượng hạt nhân trên biển của Nga.
Tàu hải quân Nga diễu binh nhân Ngày Hải quân Nga ở St. Petersburg vào tháng 7-2017. Ảnh: AP
Từ năm 2016, Đô đốc Mỹ James Foggo III, nay là chỉ huy Lực lượng Hải quân châu Âu, đã mô tả căng thẳng giữa Nga và Mỹ là "trận chiến thứ tư trên Đại Tây Dương" – theo sau các trận chiến tàu mặt nước và tàu ngầm hồi Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai và thời chiến tranh lạnh. "Một lần nữa, lực lượng tàu ngầm hiệu quả, thiện chiến và hiện đại của Nga lại thử thách chúng ta" – ông nhấn mạnh.
Để đáp trả, Hải quân Mỹ tăng cường tuần tra ở biển Baltic, Bắc Đại Tây Dương và Bắc cực. Các tàu hải quân Mỹ còn hoạt động tích cực hơn ở biển Đen và so kè với tàu Nga ở phía Đông Địa Trung Hải (nơi Nga đang hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến Syria).
Hải quân Mỹ cũng nâng cấp các nhà chứa ở Iceland làm nơi đồn trú máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon, để từ đó giám sát khu vực giữa Greenland – Iceland – Anh, được xem là yết hầu cho tàu thuyền di chuyển giữa Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương.
Bình luận (0)