Mở đầu cuộc hội đàm an ninh 2+2 nói trên, ông Blinken khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của nước chủ nhà rằng ông cùng Bộ trưởng Austin đến Tokyo để tái khẳng định cam kết, củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.
Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nóng lòng hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cũng như để đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc. "Nếu cần, chúng tôi sẽ phản ứng khi Trung Quốc sử dụng hành vi cưỡng ép và gây hấn để đạt được mục đích" - ông Blinken nhấn mạnh.
Các bộ trưởng của Mỹ và Nhật tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở thủ đô Tokyo hôm 16-3Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố chung sau hội đàm, các bộ trưởng của Mỹ và Nhật Bản bày tỏ "quan ngại sâu sắc" đối với Luật Hải cảnh Trung Quốc. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-2, theo đó cho phép cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng nhằm vào tàu thuyền nước ngoài bị xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia tại những vùng biển do Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Bộ luật đã làm dấy lên nhiều lo ngại ở Nhật Bản, đặc biệt là khi tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát ở biển Hoa Đông. Trung Quốc đang đòi chủ quyền quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư này. "Mỹ và Nhật Bản phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo (Senkaku) này" - các bộ trưởng nhấn mạnh, theo hãng tin Kyodo.
Giới chuyên gia nhận định đây là lần hiếm hoi Mỹ và Nhật Bản nêu đích danh Trung Quốc trong tuyên bố chung, qua đó cho thấy 2 đồng minh này đã tăng cường cảnh giác đối với các mối đe dọa quân sự và kinh tế đến từ Bắc Kinh.
Các bộ trưởng còn nêu rõ điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật áp dụng cho cả Senkaku/Điếu Ngư. Điều này đồng nghĩa Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại quần đảo này. Cũng theo tuyên bố chung, Mỹ và Nhật Bản nhắc lại lập trường phản đối "những yêu sách và hoạt động hàng hải phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông".
Bình luận (0)