Cuộc tập trận mang tên “Rồng Thái Bình Dương” (Pacific Dragon) là một nỗ lực giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên. Đây là cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đầu tiên giữa 3 nước, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) hôm 29-6.
Phó Đô đốc Nora Tyson, chỉ huy Hạm đội 3 của Mỹ, cho biết: “Cuộc tập trận “Rồng Thái Bình Dương” không chỉ cho phép các nước tham gia có cơ hội triển khai khả năng phòng thủ bằng tên lửa mà còn giúp tăng cường mối quan hệ vốn đã mạnh mẽ giữa 3 nước”.
Nội dung cuộc tập trận xoáy vào hoạt động theo dõi mục tiêu tên lửa đạn đạo, trong đó thử nghiệm và cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis của mỗi quốc gia. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều chia sẻ dữ liệu liên kết thông tin chiến thuật dựa trên thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa 3 bên.
Aegis là hệ thống phòng thủ tên lửa chính của Hải quân Mỹ, cũng được sử dụng bởi quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù không có tên lửa nào được phóng ra trong lúc tập trận nhưng các nước tham gia vẫn tăng cường được khả năng tương tác, các kênh truyền thông, thu thập dữ liệu và đánh giá khả năng của mỗi nước.
Hồi tuần trước, Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung được cho là Musudan. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng vụ thử nghiệm mới nhất cho thấy khả năng của Bình Nhưỡng có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.
Tên lửa Musudan về lý thuyết có tầm bắn 3.000 - 4.000 km. Khoảng cách này đủ xa để vươn tới căn cứ quân sự ở đảo Guam của Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên dường như vẫn chưa thử nghiệm thành công tên lửa Musudan bởi các vụ thử trước đó tên lửa rớt khi bay được một quãng ngắn hoặc nổ ngay khi vừa rời bệ phóng.
Cuộc tập trận này cũng là cảnh báo Mỹ gửi tới Trung Quốc, nước đang tăng cường gây hấn trên cả biển Đông và Hoa Đông, theo tạp chí Forbes.
Báo The Wall Street Journal cũng cho rằng sự hợp tác giữa Mỹ - Nhật - Hàn là "cách bảo vệ sống còn cho các đồng minh Mỹ trước tên lửa Triều Tiên, đồng thời nhắc Trung Quốc và Nga nhớ rằng Mỹ sẽ không bị hất ra khỏi châu Á".
Cuộc tập trận diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Bắc Kinh vài ngày. Nhân dịp này, Trung Quốc và Nga ra tuyên bố chung chỉ trích Mỹ bá quyền.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trên boong tàu chiến KRI Imam Bonjol khi lên đường tới quần đảo Natuna hôm 23-6. Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến khác liên quan đến biển Đông, Indonesia lên kế hoạch nâng cấp các căn cứ quân sự trên đảo Natuna sau những căng thẳng gần đây liên quan đến việc bắt giữ tàu cá Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết quốc hội nước này đã chấp thuận tăng thêm 6,59 ngàn tỉ rupiah cho ngân sách quốc phòng năm nay (khoảng 486 triệu USD) để nâng cấp căn cứ nói trên. Như vậy, tổng ngân sách quốc phòng của Indonesia trong năm 2016 được nâng lên con số 106,09 ngàn tỉ rupiah.
Theo ông Ryamizard, một căn cứ không quân lớn và hiện đại hơn sẽ được xây dựng ở Natuna, song song đó là Indonesia sẽ mua thêm 3 tàu khu trục và 1 chiến đấu cơ để đồn trú tại đây. "Chúng tôi sẽ điều thêm lính thủy đánh bộ và các lực lượng tinh nhuệ khác tới đảo Natuna" - ông Ryamizard tuyên bố.
Indonesia hiện có khoảng 800 binh sĩ ở Natuna. Lực lượng này sẽ là khoảng 2.000 quân trong năm nay.
Bình luận (0)