Hãng tin Jiji cho biết tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga hôm 16-4 đề cập đến "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".
Hai nhà lãnh đạo khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan một cách hòa bình trong tuyên bố "Quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ - Nhật cho kỷ nguyên mới". Ông Suga mô tả đây là quan điểm mang tính chỉ đạo cho liên minh hai nước. Nó được ban hành vài giờ sau khi ông Biden tiếp đón ông Suga và hội đàm ở thủ đô Washington.
Hai ông Biden (phải) và Suga họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 16-4. Ảnh: Reuters
Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố chung kể từ năm 1969, tương tự bình luận của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ - Nhật hồi tháng trước.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan - hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định quyền kiểm soát.
Chuyến thăm của ông Suga, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo thế giới đến Mỹ dưới thời ông Biden, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với chính sách đối ngoại của Washington và vị trí trung tâm của Nhật Bản đối với chiến lược của Mỹ.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sức mạnh của liên minh và cam kết sẽ cùng nhau đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc.
Ông Biden nói tại cuộc họp báo chung ở Vườn Hồng, Nhà Trắng: "Chúng tôi cam kết hợp tác để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như biển Hoa Đông, biển Đông, Triều Tiên, để đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở trong tương lai".
Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để chứng minh rằng các nền dân chủ vẫn có thể cạnh tranh và giành chiến thắng trong thế kỷ XXI".
Nhà lãnh đạo Mỹ thông báo Washington và Tokyo đã khởi động mối quan hệ đối tác mới có tên là "Đối tác năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi". Qua đó, hai nước sẽ thúc đẩy đổi mới, chấm dứt đại dịch Covid-19 và phòng chống trong tương lai, chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và nâng cao khả năng giao lưu giữa người với người.
Ngoài ra, Mỹ sẽ đầu tư 2,5 tỉ USD và Nhật Bản góp 2 tỉ USD nhằm phát triển và triển khai mạng 5G cùng các mạng di động thế hệ kế tiếp, theo thông tin của Nhà Trắng.
Ông Suga nói rằng trong khi Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy tầm nhìn thông qua các nỗ lực cụ thể, họ cũng sẽ hợp tác với các tổ chức và nước khác trong khu vực bao gồm ASEAN, Úc và Ấn Độ.
Ông cho biết đã hội đàm nghiêm túc với ông Biden về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung, đồng thời cho biết thêm: "Chúng tôi nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như hành vi đe dọa các nước khác trong khu vực. Đồng thời, chúng tôi nhất trí về sự cần thiết của mỗi nước trong việc tham gia đối thoại thẳng thắn với Trung Quốc".
Về khủng hoảng khí hậu, Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa công bố mục tiêu về cách họ sẽ đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và dự kiến sẽ sớm làm được như vậy.
Ông Biden tuyên bố sẽ hợp tác với Tokyo để thúc đẩy các công nghệ năng lượng sạch và giúp các quốc gia trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương giảm phát thải carbon.
Bình luận (0)