xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ phải chìa "củ cà rốt" với Triều Tiên?

KIM KHÁNH

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước trước những chính sách trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên.

Phải chăng đã đến lúc Washington nên chuyển từ "cây gậy" trừng phạt sang chính sách "củ cà rốt" với Bình Nhưỡng? Tạp chí Forbes hôm 30-9 cho biết tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Harry G.Broadman (Mỹ) đã phân tích một khả năng mà Washington có thể nhắm đến trong dài hạn: Hiệp định tự do thương mại 3 bên Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc.

Bắt tay trên thương trường

Trong bối cảnh chính quyền Mỹ gần đây đã ra tín hiệu với Seoul rằng sẽ cân nhắc tái khởi động Hiệp định tự do thương mại song phương Mỹ - Hàn, liệu có khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ bất ngờ mời ông Kim Jong-un tham gia một hiệp định thương mại 3 bên? Một động thái như vậy nghe có vẻ không tưởng khi mà ông chủ Nhà Trắng mới đây còn đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bình Nhưỡng. Thế nhưng, nếu so với tình hình bế tắc hiện tại và nguy cơ Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân thì giải pháp này chưa hẳn là "điên rồ".

Đó là chưa kể nếu trở thành hiện thực, hiệp định tự do thương mại 3 bên Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc thậm chí sẽ góp phần thắt chặt quan hệ Mỹ - Trung Quốc thông qua những cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên. Rõ ràng, không thể chối cãi sức nặng tiếng nói của Trung Quốc trong vấn đề này. Trên phương diện thương mại, nền kinh tế số 2 thế giới đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên (chiếm đến 87% kim ngạch xuất khẩu) và cũng là thị trường cung cấp hàng nhập khẩu chủ đạo cho Triều Tiên (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 91% tỉ trọng nhập khẩu của nước này).

Ý tưởng chương trình nghị sự 3 bên này cũng có thể sẽ tạo ra những cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn giữa Bắc Kinh và Washington về chính sách đối ngoại với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh có một thứ mà Washinton không có, đó là nỗi lo ngại về những rắc rối chính trị từ người láng giềng Bình Nhưỡng. Trong một thế giới mà những hệ quả và tác động từ các nước láng giềng gần như không có giới hạn, sẽ là sáng suốt nếu chịu lắng nghe những lời cảnh báo của Trung Quốc.

Dĩ nhiên, cũng có nhiều cơ sở để bác bỏ hiệp định thương mại 3 bên Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc, một phần vì Nhà Trắng hiện tại chỉ chú trọng những chính sách kinh tế cứng rắn, một phần vì nhiều khả năng các cơ quan quốc phòng và ngoại giao Mỹ sẽ thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này. Tuy nhiên, đề xuất này cũng mở ra cơ hội để các nhà hoạch định chính sách của cả Mỹ và Hàn Quốc có thể tự kiểm tra lại mục tiêu dài hạn đối với Triều Tiên.

Ngoài ra, tình hình xuất nhập khẩu hiện tại của Triều Tiên cũng mở ra cơ hội thực hiện ý tưởng hợp tác thương mại 3 bên. Trong 4 năm qua, hoạt động thương mại giữa Triều Tiên với phần còn lại của thế giới sụt giảm đáng kể. Bằng chứng là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này năm 2016 đã sụt giảm 25% so với năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên thiếu sự đa dạng (chỉ gồm khoáng sản, than đá, kim loại, sản phẩm từ kim loại - kể cả vũ khí), trong khi hàng hóa nhập khẩu lại gồm toàn máy móc có giá trị gia tăng cao (kể cả dùng điện và không dùng điện) và xe có động cơ.

Mỹ phải chìa củ cà rốt với Triều Tiên? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm Bắc Kinh hôm 30-9

Ảnh: REUTERS

Ngỗng đẻ trứng vàng

Ngoài Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất, trong số những nước phát triển khác, Pháp và Đức lần lượt là các trường hợp xuất khẩu lớn thứ 6 và thứ 8 của Triều Tiên. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa nhập khẩu của 2 nền kinh tế châu Âu này đối với Triều Tiên đều được cho là những con số chưa đáng kể. Do vậy, cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ đồng ý hợp tác kinh tế với một cường quốc như Mỹ.

Có lẽ hiệp định thương mại 3 bên Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc phải còn rất lâu mới trở thành hiện thực nhưng ý tưởng này cũng mở ra một cơ hội đàm phán an toàn, ít rủi ro. Nếu trở thành hiện thực, hiệp định không những không làm suy yếu việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ mà còn cho ông Kim Jong-un cơ hội để mua những sản phẩm cần thiết từ Mỹ. Từ đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có hứng thú trong việc làm ăn với nền kinh tế số 1 và sẽ không làm hại "con ngỗng đẻ trứng vàng" này.

Biết đâu nếu hiệp định này thành hiện thực, ông Donald Trump sẽ đoạt cả giải Nobel Hòa bình và Nobel Kinh tế?

Triều Tiên quyết trở thành cường quốc hạt nhân

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1-10 cho rằng nỗ lực áp đặt trừng phạt lên chương trình hạt nhân của nước này là vô ích, đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ trở thành cường quốc hạt nhân.

Thông tin trên được công bố sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiết lộ trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 30-9 rằng Mỹ đang liên lạc trực tiếp với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington đang thăm dò khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng.

Theo đài BBC, Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng khẳng định có một số kênh liên lạc với Triều Tiên nhưng sự tiến triển rất ít. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các quan chức Triều Tiên quan tâm hoặc sẵn sàng đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Xanh Park Soo-hyun khẳng định Washington và Seoul đang phối hợp chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên. Chính quyền Seoul nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho giải pháp hòa bình về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Chưa rõ bước đi tiếp theo của Washington là gì trước phản ứng mới nhất của Bình Nhưỡng nhưng việc triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong tháng này để tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc vẫn diễn ra như kế hoạch. Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ USS Ronald Reagan có khả năng được hộ tống bởi một số tàu chiến thuộc nhóm tàu tấn công như tàu khu trục Aegis, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và tàu ngầm hạt nhân. Theo quan chức này, Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch diễn tập chung về phát hiện, theo dõi và chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên, bên cạnh nội dung huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm.

Trước khi đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, tàu USS Ronald Reagan hôm 30-9 hiện diện tại biển Đông để thực hiện cuộc diễn tập thường kỳ. Trong lúc các chiến đấu cơ F-18 Super Hornet xuất kích từ boong USS Ronald Reagan, 2 tàu hộ vệ Trung Quốc luôn hiện diện trong tầm quan sát của tàu sân bay Mỹ. Các sĩ quan trên tàu USS Ronald Reagan cho biết luôn bị tàu của Hải quân Trung Quốc bám đuôi trong các vùng biển quốc tế. Theo Reuters, thủy thủ đoàn USS Ronald Reagan đôi lúc phải cảnh báo các tàu Trung Quốc trong trường hợp tàu này nhanh chóng đổi hướng để bảo đảm an toàn cho việc đi lại trên biển.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo