Nói với báo giới sau cuộc hội đàm với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hôm 30-9, ông Tillerson cho biết Washington đang "điều tra" các khả năng nói chuyện với Binh Nhưỡng, thế nên hãy cứ tiếp tục theo dõi.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 30-9. Ảnh: AP
"Chúng tôi hỏi: Quý vị (Triều Tiên) có muốn đối thoại không? Chúng tôi có vài kênh liên lạc mở ra với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không mù tịt thông tin"- ông Tillerson nói.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm rằng việc liên lạc với Triều Tiên diễn ra trực tiếp và Mỹ đã mở ra 2 đến 3 kênh liên lạc với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về nội dung cũng như tần suất liên lạc. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu bộ ngoại giao Mỹ tiết lộ việc Mỹ tìm cách tiếp cận trực tiếp với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiết lộ rằng Mỹ đang "liên lạc trực tiếp" với Triều Tiên. Ảnh: AP
Theo CBS News, ông Tillerson còn nói rằng Tổng thống Donald Trump không công bố "các lằn ranh đỏ" đối với Triều Tiên, và ông cho rằng một vụ thử tên lửa vào không khí của Triều Tiên có thể không cần Mỹ phải đáp trả quân sự.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày nói rằng giới chức của Triều Tiên không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nước này sẵn sàng nói chuyện về phi hạt nhân hóa.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: "Các nhà ngoại giao Mỹ có một số kênh mở để chúng tôi có thể liên lạc với giới chức trong chế độ của Triều Tiên...Bất chấp những lời đảm bảo rằng Mỹ không quan tâm đến việc thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ hiện tai (của Triều Tiên) hay theo đuổi việc thay đổi chế độ, đẩy mạnh tiến trình tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên hay di chuyển lực lượng về phía Bắc khu phi quân sự (DMZ), giới chức Triều Tiên không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ họ quan tâm hay sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm cánh đồng lúa. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng giới chức Triều Tiên không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ họ quan tâm hay sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa. Ảnh: AP
Cũng trong ngày 30-9, một người phát ngôn của Ủy ban Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương của Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh hành pháp mới được Tổng thống Mỹ ký về các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của nước này. Đồng thời, vị này cũng cảnh báo Triều Tiên có hành động mạnh mẽ nếu Mỹ tiếp tục chính sách thù địch.
Một ngày trước đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã dẫn một tuyên bố từ một người phát ngôn của Ủy ban Điều tra thiệt hại do các lệnh trừng phạt Triều Tiên nói rằng: "Thiệt hại to lớn mà các lệnh trừng phạt gây ra đối với sự phát triển của đất nước cũng như cuộc sống của người dân Triều Tiên là ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng, sẽ là một giấc mơ ngốc nghếch nếu nghĩ rằng lệnh trừng phạt sẽ có hiệu quả đối với Triều Tiên".
Bình luận (0)