Trang Breaking Defense hôm 22-9 dẫn lời thiếu tướng Kevin Iiams, sĩ quan chỉ huy của thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết họ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng một đơn vị chiến đấu bộ binh như vậy. Trong khi đó, hải quân Mỹ sẽ phát triển các tàu mới và nhỏ hơn để vận chuyển và cung cấp hậu cần một khi đơn vị này được triển khai.
Có thể mất vài năm nữa đơn vị này mới đi vào hoạt động đầy đủ. Thủy quân lục chiến Mỹ nói rằng các trung đoàn chiến đấu ven bờ mới sẽ được các tiểu đoàn hậu cần và phòng không hỗ trợ.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch phát triển một đơn vị khó bị phát hiện, cung cấp sức mạnh hỏa lực cần thiết để gây hậu quả đáng kể cho đối phương khi đã vượt qua giai đoạn ngăn chặn" – thiếu tướng Iiams nói tại sự kiện trực tuyến Modern Day Marine hôm 22-9.
Thủy quân lục chiến Mỹ cơ động gần tàu đổ bộ Whidbey Island, USS Germantown. Ảnh: Breaking Defense
Đơn vị mới dự kiến bao gồm 3 trung đoàn, hai đóng tại Nhật Bản và một ở đảo Guam của Mỹ. Họ phải trải qua diễn tập và thử nghiệm khoảng 3 năm trước khi hoàn thiện và sẵn sàng triển khai thực tế.
"Giống như các lực lượng đặc nhiệm trên không và trên biển mà chúng tôi đang có, đơn vị mới sẽ được hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi sẽ có một đội chiến đấu ven bờ, một tiểu đoàn hậu cần ven bờ và một tiểu đoàn phòng không" - thiếu tướng Iiams cho biết thêm.
Theo Breaking Defense, đây là nỗ lực của thủy quân lục chiến Mỹ nhằm hướng tới việc xây dựng một "lực lượng hoạt động trong lòng địch", có khả năng di chuyển nhanh, khó bị phát hiện, hoạt động được trong phạm vi của các loại vũ khí của Trung Quốc và Nga, đồng thời phát động tấn công mạnh mẽ nếu cần thiết.
Vào mùa hè này, hải quân Mỹ thảo luận với các nhà đóng tàu để phát triển lớp tàu hậu cần mới có thể hoạt động dưới hỏa lực và tiếp tế cho thủy quân lục chiến sâu trong tầm bắn của vũ khí chính xác của đối phương.
Ngoài ra, hải quân Mỹ còn định triển khai các tàu chiến hạng nhẹ giúp vận chuyển lính thủy đánh bộ và nhiên liệu cũng như để chia sẻ thông tin với các bộ phận khác.
Bình luận (0)