Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc cho biết vụ thử nghiệm diễn ra tại đảo San Nicolas, bang California – Mỹ hôm 18-8 (giờ địa phương). Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay được quãng đường 500 km.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc tiết lộ họ sử dụng bệ phóng MK-41 nhưng hệ thống được thử nghiệm không giống hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang hoạt động ở Romania và hiện được lắp đặt ở Ba Lan.
Đài RT đưa tin hình ảnh và video về vụ thử nghiệm cho thấy đó là tên lửa Tomahawk. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Robert Carver sau đó xác nhận thông tin này.
Vụ thử nghiệm diễn ra tại đảo San Nicolas, bang California – Mỹ hôm 18-8 (giờ địa phương). Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Giám đốc Bộ phận nghiên cứu giải trừ quân bị Kingston Reif đến từ nhóm vận động Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA – Mỹ) bình luận: "Trong nhiều năm qua, Nga cáo buộc MK-41 có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk, do đó vi phạm INF".
Các quan chức Washington trước đó thông báo quân đội Mỹ dự kiến thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vào tháng 8, sau đó tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 11 năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ủng hộ việc lắp đặt tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ở châu Á. Tuy nhiên, kế hoạch này phải mất nhiều năm để triển khai.
Hôm 20-8, nghị sĩ Nga Frants Klintsevich lên án vụ thử nghiệm tên lửa của Mỹ. Nghị sĩ này nói với hãng tin RIA: "Vụ thử nghiệm tên lửa trên đất liền của Mỹ bị cấm dựa trên INF 2 tuần sau khi Washington rút khỏi hiệp ước là hành động trắng trợn và nhạo báng cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo Mỹ không thể chiếm ưu thế về các loại vũ khí này. Nga không muốn chạy đua vũ trang".
Mỹ chính thức rút khỏi INF – ký với Nga năm 1987 – hôm 2-8 sau khi tuyên bố Moscow "vi phạm hiệp ước". INF được Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đàm phán. Hiệp ước cấm hai bên phát triển tên lửa trên đất liền có tầm bắn 500 – 5.500 km.
Một số chuyên gia tin rằng sự sụp đổ của INF có thể làm suy yếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác, đồng thời đẩy nhanh sự xói mòn của hệ thống toàn cầu nhằm ngăn chặn vũ khí hạt nhân lan rộng.
Bình luận (0)