Phát biểu tại cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao các nước NATO ngày 4-12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga "lừa dối về các cam kết kiểm soát vũ khí của mình" và công bố tối hậu thư 2 tháng nói trên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao các nước NATO ngày 4-12. Ảnh: Reuters
Nga bị cáo buộc vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) 1987 – một thỏa thuận lịch sử đã giữ cho châu Âu sạch bóng các tên lửa chết người.
Ông Pompeo nói rằng Nga đặt ra "đe dọa trực tiếp" tới lục địa với việc phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có thể mang đầu đạn hạt nhân –có khả năng vươn tới các thành phố châu Âu trong thời gian ngắn.
Về phần mình, phía Nga bác bỏ những cáo buộc trên nhưng các đồng minh NATO của Mỹ một mực ủng hộ tuyên bố của nước này và cho rằng Nga đang vi phạm hiệp ước.
Tổng tham mưu trưởng của Anh – Tướng Sir Nick Carter cũng nói rằng Nga đã phá vỡ hiệp ước INF, ông nhấn mạnh cần phải kêu gọi Nga không được triển khai các hệ thống vi phạm giới hạn tầm xa từ 500 km-5.000 km như quy định của INF.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Nga cần phải quay lại "tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng được". Ông cho biết thêm rằng đã nói về vấn đề này với Nga ít nhất 30 lần kể từ năm 2013 nhưng chỉ nhận được những sự bác bỏ và hành động chống đối.
Ngoại trưởng Mỹ phát tín hiệu rằng sau giai đoạn 60 ngày, Washington sẽ tăng cường hiện diện tại châu Âu để khôi phục cân bằng quân sự. Tuy nhiên ông chưa tiết lộ chi tiết, chỉ nói rằng các thử nghiệm và triển khai tên lửa mới đang tạm ngưng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng đe dọa rút Mỹ khỏi hiệp ước INF. Trong ảnh là ông Trump và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: Reuters
Theo Sky News, viễn cảnh tên lửa Mỹ hiện diện trên đất châu Âu cũng là một lo ngại không nhỏ đối với nhiều nước, trong đó có Đức, Hà Lan và Bỉ. Đại diện của các nước này đều đang hối thúc ông Pompeo tiếp tục các biện pháp ngoại giao vì lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu.
Giới lãnh đạo NATO cũng đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng mặc dù Nga vẫn còn cơ hội cuối cùng để tuân thủ INF, NATO cũng cần sẵn sàng cho một thế giới không còn hiệp ước này. "Tôi rất tiếc khi chúng ta gần như chắc chắn phải chứng kiến hiệp ước INF chấm dứt, tuy nhiên chúng ta cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng theo cách mà chúng ta phải làm"- ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Theo đài RT, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Hạ viện Nga Viktor Bondarev bày tỏ nước này và Mỹ cần đối thoại về INF. Mặt khác, ông cảnh báo Moscow có thể sẽ phải đáp trả bằng việc phát triển các loại vũ khí tối tân nếu Mỹ rút khỏi INF. Ông Bondarev nói: "Chúng tôi cho rằng việc tuân thủ INF là cần thiết và ủng hộ việc duy trì hiệp ước... Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng hàng loạt biện pháp, trong đó có thúc đẩy việc phát triển và đưa vào hoạt động các loại vũ khí tối tân".
Bình luận (0)