Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi những chính sách của Canada là có hại và không công bằng với Mỹ. Đi cùng những lời lẽ công kích này là quyết định áp thuế chống bán phá giá đến 24% đối với gỗ mềm nhập khẩu từ Canada với lý do nước này đang trợ cấp các nhà sản xuất gỗ mềm trong nước để tạo lợi thế xuất khẩu.
Trong lúc tranh cãi về gỗ mềm Canada đã kéo dài nhiều thập kỷ nay thì vấn đề sữa lại mới phát sinh. Nhà chức trách Mỹ cáo buộc chính sách định giá sữa mới của Canada vào năm ngoái gây khó khăn cho các nông dân sản xuất sữa ở một số bang nước này.
Đến cuối ngày 25-4, ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người tuyên bố sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp nước nhà, đã có cuộc điện đàm nhưng chưa rõ vụ việc đi theo chiều hướng nào.
Trước mắt, một số quan chức Canada nêu khả năng có hành động pháp lý chống lại Mỹ theo Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc đưa vụ việc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, cả hai động thái này chỉ có thể xảy ra vào năm tới sau khi Bộ Thương mại Canada đưa ra đánh giá cuối cùng.
Từ giờ đến đó, theo tờ The Washington Post, nỗi lo về những hậu quả ngoài ý muốn cho cả 2 nước có thể gia tăng nếu không tìm được tiếng nói chung. Chẳng hạn, giới chức Canada cảnh báo người xây nhà ở Mỹ sẽ chịu thiệt hại bởi mức thuế chống bán phá giá nói trên.
Diễn biến trên đánh dấu sự chuyển hướng đáng ngạc nhiên trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn của thế giới, nhất là sau khi ông Trudeau có chuyến thăm Washington cách đây 2 tháng. Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng hé lộ ý định tái thương thảo NAFTA (được ký kết bởi Mỹ, Canada, Mexico) dù chưa chính thức thông báo với quốc hội về vấn đề này.
Điều trùng hợp là trong lúc cứng rắn với Canada về mặt thương mại, chính quyền ông Trump lại hứng chịu thất bại đầu tiên trong một trận chiến thương mại mà đối thủ là Mexico - quốc gia bị ông chủ Nhà Trắng công kích mạnh mẽ thời gian qua.
Ngày 25-4, WTO cho phép Mexico áp đặt lệnh trừng phạt thương mại có giá trị 163 triệu USD/năm lên Mỹ sau khi kết luận Washington áp dụng các quy định gây hại đến ngành sản xuất cá ngừ của nước láng giềng.
Theo đài CNN, cuộc chiến giữa Mỹ và Mexico liên quan đến sản phẩm cá ngừ kéo dài nhiều năm qua. Mỹ đòi tất cả cá ngừ Mexico bán ở Mỹ đều phải được đánh bắt bởi những ngư dân không giết cá heo trong quá trình này.
Mexico cho hay ngư dân của họ tuân thủ quy định trên song bị chính phủ Mỹ bác bỏ dẫn đến vụ kiện bắt đầu vào năm 2008. Bộ Kinh tế Mexico tuyên bố sẽ “lấy lại những gì đã mất” nhưng không nói rõ sẽ đánh thuế lên cá ngừ hoặc các sản phẩm khác của Mỹ.
Chưa hết, Mỹ còn đối mặt nguy cơ bị trả đũa sau khi ông Trump vào tuần rồi quyết định điều tra một số đối tác thương mại lớn, trong đó có Trung Quốc, bị cáo buộc xuất khẩu thép giá rẻ vào thị trường nước này.
Truyền thông Trung Quốc lập tức cảnh báo về một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” không mang lại lợi ích cho bên nào. “Nếu Mỹ áp dụng các biện pháp bảo hộ, các quốc gia khác cũng có thể trả đũa tương ứng với các công ty Mỹ có lợi thế ở những lĩnh vực như tài chính và công nghệ cao” - tờ China Daily viết.
Bình luận (0)