Quân đội Mỹ đã chuẩn bị các đối sách rắn để đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trung Quốc tại biển Đông lẫn biển Hoa Đông trong tương lai, từ việc xuất kích máy bay ném bom B-2 áp sát Trung Quốc đến tiến hành các cuộc tập trận tàu sân bay gần bờ biển cường quốc châu Á này, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay.
Máy bay ném bom B-2 nổi tiếng của Mỹ. Ảnh: Northrop
Các đối sách này được vạch ra trong kế hoạch hành động sau khi đánh giá mối lo ngại từ sự nghi ngờ của các đồng minh châu Á của Mỹ về các cam kết đối với nghĩa vụ an ninh của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đặc biệt là sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Phát ngôn viên Chris Sims của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương khẳng đinh ngoài máy bay ném bom B-2 và các cuộc tập trận bằng tàu sân bay, Mỹ còn thực hiện các biện pháp đáp trả đầy sức mạnh khác, chẳng hạn như tăng cường các hoạt động trinh sát gần lãnh thổ Trung Quốc và gia tăng các chuyến thăm cảng đồng minh của tàu hải quân Mỹ.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Obama từ chối bình luận về các đối pháp quân sự của Mỹ tại châu Á, nhưng nhấn mạnh rằng những hành động đơn phương của Bắc Kinh, đơn cử là tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông “có thể dẫn tới những thay đổi trong hành vi và hiện diện của quân đội chúng tôi” trong khu vực.
Mặc dù không cho biết các hành động cụ thể, song giới chức Mỹ khẳng định bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực đều sẽ vấp phải sự can thiệp quân sự của Mỹ, theo Wall Street Journal.
Những câu hỏi liên quan tới vấn đề an ninh cũng theo chân Tổng thống Obama những ngày qua trong chuyến công du 4 nước châu Á thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Những quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á đã phản ánh với giới chức Mỹ rằng vụ việc ở Crimea có thể coi là một phép thử cho cách đối phó của Washington nếu Bắc Kinh tìm cách dùng sức mạnh để làm điều tương tự tại biển Đông hoặc biển Hoa Đông, theo lời các quan chức Mỹ.
“Chúng tôi cực kỳ quan ngại. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện về Crimea mà còn là một phong trào đang đi lên” – một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói và viện dẫn sự hoài nghi của các quốc gia đồng minh về việc Washington sẽ giữ lời và tiếp tục chiến lược tập trung mới ở Châu Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với các binh sỹ tại phòng thể dục của Căn cứ Fort Bonifacio ở Manila, hôm 29-4. Ảnh: Reuters
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ đặt chân tới Philippines hôm 28-4, giới chức Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận cho phép sự trở lại của lực lượng quân sự Mỹ sau hơn 2 thập kỉ Manila cấm cửa các mạng lưới quân sự của Mỹ.
Tương tự, trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 24-8, Tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng những cam kết trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật là hoàn toàn chắc chắn.
Tại mỗi điểm dừng chân tại Hàn Quốc và Malaysia, chuyến công du của ông Obama đều bị phủ bóng đen bởi vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea và sự lo ngại của các đồng minh.
Bình luận (0)