Điều này khiến Cục Điều tra Liên bang (FBI) phải rà soát toàn bộ 25.000 binh sĩ vệ binh đến Washington bảo vệ cho lễ nhậm chức. Động thái trên cho thấy những lo ngại nghiêm trọng về an ninh đã bao trùm Washington sau vụ bạo loạn chết người hôm 6-1 tại điện Capitol.
Ngoài ra, nó cũng nhấn mạnh nỗi sợ rằng 1 số người được giao nhiệm vụ bảo vệ thành phố trong nhiều ngày tới có thể chính là mối đe dọa đối với tổng thống tiếp theo và các vị khách VIP.
Ngày 17-1, Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy nói với hãng tin AP rằng các quan chức nhận thức được mối đe dọa tiềm tàng và cảnh báo các chỉ huy phải đề phòng bất kỳ vấn đề nào trong hàng ngũ của họ khi lễ nhậm chức đến gần. Tuy nhiên, ông và các lãnh đạo khác cho biết đến nay họ chưa tìm ra bằng chứng về mối đe dọa nào và quá trình rà soát cũng không phát sinh vấn đề.
"Chúng tôi đang tiếp tục quá trình và xem xét lần thứ 2, thứ 3 tất cả mọi cá nhân trong hoạt động này" - trích lời ông McCarthy trong cuộc họp sau khi ông và những lãnh đạo quân đội khác tham gia cuộc diễn tập an ninh kéo dài 3 tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho ngày 20-1. Được biết, đội vệ binh cũng được huấn luyện để biết cách xác định mối đe dọa bên trong.
Đội Vệ binh Quốc gia tại điện Capitol. Ảnh: AP
Khoảng 25.000 thành viên của đội Vệ binh Quốc gia đang đổ về Washington từ khắp đất nước, tăng ít nhất 2,5 lần số lượng binh sĩ so với các buổi lễ nhậm chức trước đây. Trong khi quân đội định kỳ kiểm tra các quân nhân để phát hiện xem có mối liên hệ nào với các phần tử hoặc nhóm cực đoan hay không, FBI cũng tham gia giám sát.
Nhiều quan chức cho biết quá trình này bắt đầu khi các binh sĩ đầu tiên bắt đầu đến Washington hơn một tuần trước. Dự kiến công việc rà soát sẽ hoàn thành trước ngày 20-1. "Câu hỏi ở đây là: tất cả đều là bọn họ hay có thêm những người khác? Chúng tôi cần xác định điều này và sử dụng toàn bộ các biện pháp để rà soát kỹ lưỡng tất cả những người sẽ hỗ trợ cho bất kỳ chiến dịch nào như thế này” - ông McCarthy nói thêm.
Các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã luôn ưu tiên xem xét các mối đe dọa từ bên trong sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các mối đe dọa đều đến từ các nhóm cực đoan như Al Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngược lại, những người đe dọa lễ nhậm chức của ông Biden lại là người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, các tay súng cực hữu, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và các nhóm cực đoan khác. Nhiều người cho rằng những cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về cuộc bầu cử vừa qua là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng trở nên manh động.
Bình luận (0)