Theo kế hoạch, từ 32.000 quân hiện nay, Mỹ sẽ rút binh sĩ về nước dần dần cho đến khi chỉ còn lại quân số nhỏ sau năm 2016, trước thời gian Tổng thống Obama rời Nhà Trắng.
Số binh sĩ còn lại này sẽ canh gác đại sứ quán Mỹ, huấn luyện các lực lượng Afghanistan và hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố trên khắp Afghanistan.
Trong năm tới, số binh sĩ Mỹ sẽ được cắt giảm một nửa, đóng ở thủ đô Kabul và tại căn cứ không quân Bagram, căn cứ chính của Mỹ ở Afghanistan. Lực lượng còn lại phần lớn sẽ rút vào cuối năm 2016, chỉ để lại không tới 1.000 quân được bố trí giữ an ninh ở Kabul.
Tổng số binh sĩ NATO, kể cả lính Mỹ, vào thời điểm đầu năm 2015 dự kiến sẽ vào khoảng 12.000 người.
Tuy nhiên, kế hoạch này còn phụ thuộc vào yếu tố người Afghanistan có ký thỏa thuận an ninh chung với Mỹ hay không.
Trong khi Tổng thống Afghanistan đương nhiệm Hamid Karzai từ chối ký thỏa thuận như nêu trên, chính quyền Mỹ tin rằng cả 2 ứng cử viên đang chạy đua thay thế ông này sẽ chấp nhận điều đó.
Tổng thống Obama cũng đã bàn bạc kế hoạch của ông với một số nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Ý Matteo Renzi.
Sau khi Tổng thống Afghanistan từ chối ký thỏa thuận an ninh song phương như vừa nêu, Tổng thống Obama đã yêu cầu Lầu Năm Góc lên kế hoạch tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút trước hạn chót cuối năm 2014. Thế nhưng, căn cứ vào sự ủng hộ của các ứng cử viên tranh cử chức tổng thống Afghanistan, Tổng thống Mỹ đã cho thấy ông sẽ giữ lại một số binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.
Trong gần 13 năm diễn ra cuộc chiến tranh Afghanistan, ít nhất 2.181 người Mỹ đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.
Bình luận (0)