Báo cáo vừa được công bố ngày 12-11 của IEA cho biết bí quyết của sự soán ngôi bất ngờ này nằm ở công nghệ trích xuất dầu từ đá phiến sét (dầu đá phiến) ngày càng phát triển của Mỹ.
Nhờ nguồn dầu này, Mỹ có thể tự túc toàn bộ nhu cầu năng lượng trong nước vào năm 2035, IEA dự đoán. Hiện nay, Mỹ vẫn phải nhập khẩu khoảng 20% tổng nhu cầu năng lượng.
Theo IEA, Mỹ sẽ sản xuất được 11,1 triệu thùng dầu/ ngày vào năm 2020, vượt qua sản lượng 10,6 triệu thùng của Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, đến năm 2035, sản lượng của Mỹ trượt xuống 9,2 triệu thùng/ ngày trong khi Ả Rập Saudi vươn lên 12,3 triệu thùng/ngày.
Ngành công nghiệp dầu của Mỹ sẽ vượt Ả Rập Saudi năm 2020. Ảnh: Times of India
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tăng trưởng đáng kể nhờ công nghệ hút dầu từ lòng đất bằng cách bơm hỗn hợp cát, nước và hóa chất xuống với áp suất cao. Tuy nhiên, dù được tuyên bố là an toàn, công nghệ này bị chỉ trích có thể gây động đất và ô nhiễm các nguồn nước.
Cũng với công nghệ trên, nhà kinh tế hàng đầu của IEA là ông Fatih Birol tin rằng Mỹ sẽ trích xuất được khí tự nhiên và vượt qua Nga để trở thành nước sản xuất khí đốt số một thế giới vào năm 2015.
Báo cáo mới của IEA đi ngược lại dự đoán của chính tổ chức này trước đây, trong đó cho rằng Ả Rập Saudi tiếp tục duy trì ngôi đầu sản xuất dầu cho đến năm 2035.
Sự đảo chiều ấn tượng trong ngành công nghiệp dầu và khí đốt này có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng về địa chính trị. Một trong số những hệ quả là Mỹ sẽ bớt lo ngại về Trung Đông. Ngoài ra, nguồn dầu mỏ từ Trung Đông sẽ chuyển hướng, dồn gần 90% sản lượng về châu Á vào năm 2035.
Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu một nước Mỹ đã tự túc được năng lượng có còn sẵn sàng bảo vệ các tuyến vận chuyển thương mại chính trên thế giới hay không, chẳng hạn như eo biển Hormuz?
Bình luận (0)