Phát biểu trên chiến hạm USS Blue Ridge trong chuyến thăm Ấn Độ hôm 11-4, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph P Aucoin, khẳng định Hải quân Mỹ có kế hoạch đưa 60% số tàu chiến (tàu nổi) tới khu vực Ấn - Á - Thái Bình Dương trong vòng 2 năm tới để phục vụ 3 sứ mệnh, gồm chống khủng bố, bảo vệ an ninh hàng hải và cứu trợ thiên tai. “Gần 90% tổng thương mại toàn cầu diễn ra trên biển. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á” - phó đô đốc Mỹ nhấn mạnh.
Ông Aucoin cho biết để đạt đến con số 60% nêu trên, Mỹ sẽ triển khai thêm khoảng 10-15 tàu loại này đến khu vực từ nay đến năm 2019. Ngoài ra, theo ông Aucoin, hiện đã có 60% số tàu ngầm Mỹ có mặt ở vùng Ấn - Á - Thái Bình Dương. Không chỉ số lượng, hải quân Mỹ sẽ triển khai những tàu tuần dương, khu trục cũng như máy bay hiện đại nhất để “xoay trục” về Thái Bình Dương. Đơn cử, máy bay tàng hình F35-B, tàu đổ bộ mới nhất USS America sẽ có mặt ở đây vào năm sau.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (thứ 2 từ phải sang) và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar (bìa phải) thăm tàu sân bay INS Vikramaditya hôm 11-4Ảnh: IANS
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar cũng thăm tàu USS Blue Ridge. Theo ông Carter, 2 nước đã “nhất trí về mặt nguyên tắc” trong việc ký kết Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần (LSA), cho phép sử dụng căn cứ không quân, hải quân và bộ binh của nhau để thực hiện tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi.
LSA chưa về đích dù đã trải qua 12 năm đàm phán, nguyên nhân do New Delhi lo ngại thỏa thuận này có thể buộc họ tham gia một liên minh quân sự với Mỹ, theo Reuters. Ngoài ra, ông Carter khẳng định Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ mới nhất giúp Ấn Độ nâng cấp sức mạnh của tàu sân bay tự đóng.
Trong lúc Phó đô đốc Aucoin và các quan chức Ấn Độ thảo luận về cuộc tập trận hải quân Malabar (dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới), tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật Bản đã đến Indonesia tham gia tập trận hải quân đa phương Komodo (MNEK) từ ngày 12 tới 16-4. Theo trang IB Times, tàu Ise băng qua biển Đông để tới vùng biển ngoài khơi Sumatra. Một quan chức Nhật Bản cho báo giới địa phương hay đó là “một tín hiệu” gửi đến Bắc Kinh.
Trong ngày 12-4, Bắc Kinh cũng nhận được cảnh báo rõ ràng từ Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. Ông nhấn mạnh việc Trung Quốc âm mưu bồi đắp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham sẽ làm leo thang các vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, đồng thời yêu cầu Washington thuyết phục Bắc Kinh không thực hiện bước đi “khiêu khích nghiêm trọng” ấy.
Không chỉ vậy, Manila không nhượng bộ trước đề nghị “tham vấn thân thiện” với các nước láng giềng để tránh xung đột khi đánh cá trên biển Đông mà Trung Quốc đưa ra hôm 12-4. Philippines tuyên bố trước mắt họ sẽ chờ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc về việc nước này kiện Trung Quốc có yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông.
Bình luận (0)