Theo Reuters, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, hôm 8-12 cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ lần lượt thăm Indonesia, Malaysia, Thái Lan với mục tiêu củng cố cơ sở hạ tầng an ninh khu vực để đối phó với hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc trên biển Đông.
Tại thủ đô Jakarta (ngày 13 và 14-12), Ngoại trưởng Blinken dự kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ - Indonesia.
Quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ sau đó sẽ đến Malaysia (14 và 15-12) và Thái Lan (16-12) để thúc đẩy quan hệ, hợp tác đối phó những thách thức chung (Covid-19, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu…) và bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp trực tuyến và trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở TP New York – Mỹ hôm 23-9 Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Ông Kritenbrink khẳng định chuyến công du này là một phần trong chiến lược rộng hơn của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm nâng tương tác Mỹ - ASEAN lên mức "cao chưa từng có", mở rộng hợp tác thông qua các cuộc họp về khí hậu, môi trường, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, bình đẳng giới và nữ quyền.
Nhấn mạnh Mỹ không yêu cầu các quốc gia trong khu vực chọn phe mà chỉ muốn bảo đảm rằng họ có thể tự đưa ra quyết định, ông Kritenbrink tái khẳng định cam kết của Washington đối với tầm nhìn về trật tự quốc tế dựa trên luật pháp mà trong đó, mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc.
Chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken diễn ra không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Biden công bố "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF)" mới, dự kiến bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2022.
Trong khuôn khổ IPEF, theo giới chức Mỹ, Washington sẽ củng cố quan hệ đối tác với các nước trong khu vực ở những lĩnh vực quan trọng, gồm kinh tế số, công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch.
Với IPEF, theo một số nhà phân tích, Tổng thống Biden đã bổ sung một yếu tố quan trọng vào chiến lược đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á, vốn đã bị sứt mẻ kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bình luận (0)