"Các lực lượng của chúng tôi sẽ thao diễn khả năng triển khai chóng vánh, tấn công mục tiêu bằng cả không quân và lục quân trước khi rút quân nhanh chóng" – phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ William Urban cho biết.
Trong cuộc tập trận sẽ diễn ra trong vài ngày, binh sĩ Mỹ sẽ bay vào khu căn cứ quân sự At Tanf của liên quân bằng máy bay trực thăng và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật.
Ông Urban tuyên bố Mỹ tiến hành cuộc tập trận bất ngờ nói trên sau khi Nga cảnh báo vào ngày 1-9 rằng quân đội của họ sẽ tiến vào một khu vực thuộc miền Nam Syria, nơi có sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ. Đến ngày 6-9, Nga cảnh báo Mỹ lần 2 rằng họ sẽ đánh vào khu vực tránh xung đột At Tanf để tiêu diệt các phần tử khủng bố ở đó.
Mỹ bắt đầu cuộc tập trận ở khu vực At Tanf, miền Nam Syria, vào hôm 7-9 để đối phó với các mối đe dọa quân sự đến từ Nga. Ảnh: CNN
"Mỹ không mong muốn đối đầu với Nga, chính phủ Syria hay bất cứ nhóm nào hỗ trợ chính phủ Syria trong nội chiến Syria. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không do dự sử dụng lực lượng và số lượng binh sĩ cần thiết để bảo vệ Mỹ, liên quân hay lực lượng đồng minh. Chúng tôi đã chứng minh điều này ở những vụ việc xảy ra trong quá khứ" – Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Robertson tuyên bố.
Cuộc tập trận bất ngờ hôm 7-9 được tiến hành trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục cảnh báo về chiến dịch tái chiếm Idlib của chính phủ Syria, vùng lãnh thổ cuối cùng mà phiến quân kiểm soát ở Syria.
Đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 7-9 cảnh báo nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga và Iran tấn công Idlib, "hậu quả sẽ rất nghiêm trọng" vì nó có thể gây leo thang xung đột ở Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Iran Hassan Rouhani ở Tehran để bàn về việc giải quyết xung đột Idlib bằng tiến trình đàm phán chính trị. Tuy nhiên, 3 nhà lãnh đạo đã không đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho khu vực Idlib.
Ông Erdogan nói rằng ông lo ngại cuộc tấn công nhằm vào Idlib có thể gây ra một thảm họa nhân đạo trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận thêm bất cứ người tị nạn nào. Ông Erdogan nhấn mạnh việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn chính là thắng lợi của cuộc hội đàm nêu trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) cùng người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc hội đàm hôm 7-9. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Putin khẳng định thỏa thuận ngừng bắn sẽ trở nên vô nghĩa vì nó sẽ không bao gồm các nhóm vũ trang bị xem là khủng bố.
Ông Rouhani quả quyết rằng Syria phải tái chiếm toàn bộ lãnh thổ của họ, phải đẩy lùi được toàn bộ phần tử nổi dậy ra khỏi quốc gia của họ.
Trong tuyên bố chung cuối cùng, 3 nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết của việc loại bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, phong trào Mặt trận Al-Nusra và những nhóm khác có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda hay bất cứ nhóm nào bị xem là khủng bố. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng có những nhóm vũ trang đối lập khác có thể tham gia vào bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào đạt được sau này.
Bình luận (0)