Các tàu chiến Mỹ sắp tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo Financial Times (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 8-10 cho biết động thái này dự kiến bắt đầu trong 2 tuần tới.
Nếu diễn ra, bước đi này sẽ chuyển tải tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng Washington không công nhận những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của nước này tại biển Đông.
Một ngày trước, trang tin quân sự Navy Times (Mỹ) cũng dẫn lời các quan chức quân sự nước này tiết lộ tàu chiến Mỹ chuẩn bị được triển khai tới điểm nóng nói trên trong vài ngày nữa. Tuy nhiên, họ còn chờ chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua lần cuối.
Tàu cao tốc USNS Millinocket của Mỹ tham gia tập trận chống cướp biển
với 6 nước Đông Nam Á từ ngày 5-10. Ảnh: Hải quân Mỹ
Kế hoạch đưa tàu chiến và máy bay vào “vùng cấm địa” 12 hải lý đã được Mỹ đánh tiếng từ tháng 5. Trao đổi với Navy Times, 3 quan chức Lầu Năm Góc cho rằng quyết định thông qua kế hoạch này đang đến rất gần. Một khi được bật đèn xanh, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012, Hải quân Mỹ trực tiếp thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gây sức ép với Nhà Trắng trong nhiều tháng để được phép có hành động hàng hải cứng rắn hơn. Sau thời gian kiềm chế do lo ngại làm leo thang căng thẳng, cuối cùng Nhà Trắng đã thay đổi quan điểm sau khi giới chức Mỹ không đạt được tiến triển về vấn đề biển Đông trong chuyến thăm Washington vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thông tin trên được tiết lộ vài ngày sau khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift, nhấn mạnh trong Hội nghị Hàng hải Thái Bình Dương 2015 tại Úc rằng “một số” nước xem tự do hàng hải là thứ có sẵn để chiếm đoạt, tự áp đặt những giới hạn và đe dọa ổn định ở biển Đông - những lời lẽ rõ ràng ám chỉ hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Cũng tại hội nghị này hôm 7-10, tân Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull duy trì lập trường cứng rắn đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. “Úc tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc hăm họa, gây hấn hay ép buộc để tuyên bố chủ quyền nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng” - bà Payne phát biểu trước các quan chức hải quân cấp cao từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Điền Trung.
Trong khi đó, tại Philippines, Phong trào và liên minh phản kháng sự xâm lược của Trung Quốc (Marcha) hôm 7-10 yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) điều tra và có hành động cụ thể đối với việc cải tạo đất phá hoại môi trường của Trung Quốc ở biển Đông, làm ảnh hưởng nguồn lợi hải sản của cả khu vực. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, Chủ tịch Marcha, cho biết yêu cầu này dựa trên Công ước về Đánh cá và Bảo tồn các tài nguyên sinh vật biển cũng như dựa trên các mục tiêu Phát triển bền vững vừa được thông qua gần đây.
Cùng ngày 7-10, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh sự quan trọng của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) trong vấn đề biển Đông. Ông Carpio cho rằng nếu văn kiện này không thể áp dụng cho tranh chấp ở biển Đông thì nó không thể áp dụng cho bất kỳ cuộc tranh cãi hàng hải nào khác.
Mỹ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam
Trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Mỹ hôm 8-10, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Sáng kiến thực thi pháp luật và hợp tác phòng chống ma túy quốc tế William Brownfield cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát biển Việt Nam nhằm trợ giúp và phát triển năng lực bảo đảm an ninh hàng hải.
Theo ông Brownfield, sự hợp tác được đẩy mạnh hơn sau chuyến thăm của ông tới Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Malaysia, Philippines) vừa qua. Được Ngoại trưởng John Kerry khởi xướng, sáng kiến nói trên nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 4 nước vừa nêu trong lĩnh vực thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Người phụ trách sáng kiến này khẳng định ông hoàn toàn nhất trí khi Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị trợ giúp phát triển năng lực, bổ sung thiết bị (trong đó có thiết bị thông tin liên lạc) sử dụng trên tàu và thuyền tuần duyên, đồng thời mong muốn bắt tay chặt chẽ hơn với Cảnh sát biển Mỹ trong các hoạt động thực thi pháp luật hàng hải. Cho tới nay, Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; viện trợ thiết bị, bao gồm cả tàu bè; huấn luyện và bảo trì cũng như hỗ trợ thông tin liên lạc và hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực.
Ông Brownfield cho biết Mỹ cũng thường xuyên liên lạc với Trung Quốc về an ninh hàng hải và hai bên vừa đàm phán về giải pháp an toàn trong trường hợp xảy ra đụng độ trên biển. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị 3 nguyên tắc cơ bản đối với an ninh hàng hải trong khu vực, gồm: “Không cải tạo thêm đất, không quân sự hóa các đảo và không xây dựng mới”.
Bình luận (0)