Bộ Tài chính Mỹ hôm 11-9 công bố một số liệu đáng lo với Washington: Lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của nước này đã vượt con số 20.000 tỉ USD.
Gánh nặng nợ nần
Cụ thể, nợ công của Mỹ trong ngày 8-9 tăng thêm 318 tỉ USD lên mức 20.162 tỉ USD. Trước đó, con số này hầu như không thay đổi gì nhiều kể từ tháng 3 do mức trần nợ công được duy trì ở mức 19.840 tỉ USD. Từ đó đến giờ, Bộ Tài chính Mỹ phải sử dụng "những biện pháp đặc biệt" để ngăn khoản nợ vượt trần cho phép.
Đáng chú ý, nợ công của Mỹ tiếp tục tăng đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật, theo đó hoãn áp dụng trần nợ công đến ngày 8-12, đồng nghĩa chính phủ có thể vay mượn thoải mái để có tiền hoạt động trong 3 tháng tới.
Đạo luật trên được ban hành ngay sau khi ông chủ Nhà Trắng bắt tay với các lãnh đạo đảng Dân chủ để hoãn áp dụng trần nợ công thêm 3 tháng, thay vì 18 tháng như đề xuất của đảng Cộng hòa. Mục tiêu của thỏa thuận bất ngờ này là giúp chính phủ có tiền khắc phục thiệt hại sau các trận siêu bão.
Trang The Hill cho biết lần tăng trần nợ công sắp tới có thể diễn ra trong năm 2018, sớm nhất là vào tháng 3. Dù vậy, ông Donald Trump vào tuần rồi tỏ ý có thể ủng hộ ý tưởng bỏ hẳn trần nợ công. Tuy nhiên, hầu hết thành viên đảng Cộng hòa nhiều khả năng phản đối một bước đi như thế vì họ xem trần nợ công là đòn bẩy trong các cuộc thương thảo về cải cách chi tiêu.
Mỗi người dân Mỹ đang gánh hơn 61.000 USD nợ công Ảnh: REUTERS
Gạt sang một bên yếu tố chính trị, xu hướng nước Mỹ mắc nợ ngày càng nhiều dĩ nhiên không phải là thông tin tốt với nhiều người.
Ông Michael A. Peterson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Quỹ Peter G. Peterson (Mỹ), cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính đất nước không tốt. Theo ông, gánh nặng nợ nần nói trên có thể khiến Washington sẽ phải trả tiền lời lên đến 6.000 tỉ USD trong 10 năm tới.
"Khoản tiền này còn nhiều hơn những gì chúng ta sẽ đầu tư cho thế hệ mai sau. Vì thế, thực tế là chúng ta đã quyết định chi tiêu cho quá khứ nhiều hơn tương lai" - ông Peterson lo ngại.
Chuyên gia này cũng thúc giục quốc hội thông qua các biện pháp cải cách thuế "có trách nhiệm về tài chính" và không làm tăng thâm hụt ngân sách. Nghị sĩ Mark Walker của đảng Cộng hòa đề nghị quốc hội thông qua những luật mới để đảo ngược xu hướng đáng lo nói trên trong bối cảnh mỗi một người Mỹ hiện phải gánh hơn 61.000 USD nợ công.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất
Gánh nặng nợ nần cũng đe dọa khiến Mỹ mất uy trong việc xử lý quan hệ với các nước đang là chủ nợ, nhất là Trung Quốc. Số liệu gần đây của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bắc Kinh đã trở lại "vị thế" chủ nợ lớn nhất của Washington.
Hồi tháng 6 qua, giá trị lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ là 1.150 tỉ USD, tăng 44,3 tỉ USD so với tháng trước. Nhật xếp sau với 1.090 tỉ USD, giảm 20,5 tỉ USD. Theo trang Bloomberg, Nhật là chủ nợ lớn nhất của Mỹ từ tháng 10 năm ngoái trước khi bị Trung Quốc giành lại vị trí quen thuộc trong 9 năm qua.
Đài CNN nhận định việc Trung Quốc sẵn lòng cho Mỹ vay mượn một lượng tiền khổng lồ như thế làm gia tăng nỗi lo Bắc Kinh có thể sử dụng món nợ "khủng" để gây áp lực về mặt kinh tế và chính trị khi cần.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ nợ khiến 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới gắn kết chặt chẽ. Trung Quốc xem việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ là một cách để ngăn nhân dân tệ trở nên quá mạnh ngay cả khi kinh tế tăng trưởng nhanh. Điều này khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn nhưng cũng giúp duy trì lãi suất Mỹ ở mức thấp.
Nếu tính từ khi Nhà Trắng có chủ mới vào cuối tháng 1-2017, Trung Quốc đã mua thêm 95 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Không rõ điều này có liên quan đến lập trường cứng rắn của ông Donald Trump đối với Bắc Kinh khi còn tranh cử hay không. Khi đó, ông hứa hẹn sẽ giảm mức thâm hụt thương mại 310 tỉ USD với Bắc Kinh, cũng như dọa đánh thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa Trung Quốc.
Dù vậy, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ tỏ ra thận trọng hơn. Hồi tháng rồi, ông đã ra lệnh đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xem xét các tập quán thương mại của Trung Quốc nhưng không ra lệnh điều tra chính thức.
Bình luận (0)