Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 12-1 đưa ra lời xin lỗi: “Chúng tôi nên cử một quan chức cấp cao hơn (là Đại sứ Mỹ tại Pháp). Đó mới là điều nên làm”.
Các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Palestine… đều bỏ thời gian tới Paris để chia sẻ tình đoàn kết với Tổng thống Pháp Francois Hollande sau các vụ tấn công cực đoan ngày 7 đến 9-1 khiến 17 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama và dàn lãnh đạo cấp cao nước này vắng mặt mà không rõ lý do, chỉ có duy nhất Đại sứ Mỹ tại Pháp có mặt trong lễ diễu hành.
Ông Earnest giải thích Washington được thông báo về buổi lễ từ hôm 9-1 nhưng Nhà Trắng không có đủ thời gian để sắp xếp cho ông Obama hoặc các quan chức khác vì liên quan đến vấn đề an ninh. Có tới 3,7 triệu người tuần hành ở thủ đô Paris và ông Earnest cho rằng sự an toàn của ông Obama sẽ gặp phải “những thách thức nghiêm trọng” nếu công tác chuẩn bị quá gấp rút.
Các nhà phê bình chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ đã không làm tròn nhiệm vụ của một đồng minh cũng như bỏ qua cơ hội bày tỏ tình đoàn kết chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz hôm 12-1 viết một bài xã luận với giọng điệu gay gắt: “Nhiều đồng minh của chúng ta tập trung ở Paris ngày hôm qua. Tổng thống của chúng ta lẽ ra phải có mặt ở đó bởi Mỹ không bao giờ chùn bước khi sát cánh cùng các đồng minh của mình. Chúng ta không ngại nói lên sự thật, ở Paris hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder có mặt trong một hội nghị thượng đỉnh quốc tế ngày 12-1 tại thủ đô của Pháp nhưng không tham gia diễu hành. Ông Holder chỉ xuất hiện trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài NBC (Mỹ) và thể hiện sự ủng hộ bằng lời nói: “Người Pháp là một trong những đồng minh tốt nhất của chúng tôi, người bạn quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Và chúng tôi đang ở đây để bày tỏ tình đoàn kết với họ”.
Trong một chuyến đi tới Ấn Độ hôm 12-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã nhận lời tới New Delhi nên không thể đến Paris, nhưng ông sẽ sang Pháp cuối tuần này để tái khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa 2 nước.
Đức: 100.000 người tuần hành phản đối cực đoan
Tối 12-1, khoảng 100.000 người tại nhiều thành phố ở Đức đã xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối chủ nghĩa cực đoan cũng như lên án phong trào chống Hồi giáo đang có nguy cơ phát triển mạnh tại Đức.
Tại thành phố Leipzig thuộc bang Sachsen, khoảng 30.000 người đã tuần hành lên án chủ nghĩa cực đoan, nạn bài người Hồi giáo thuộc phong trào "Người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây" (Pegida).
Bình luận (0)