Cựu thủ tướng Úc nói về Trung Quốc
Trong một tiết lộ có thể gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao Úc – Trung Quốc, ông Kevin Rudd khi còn là thủ tướng Úc đã nói với Mỹ rằng nước này nên chuẩn bị sử dụng vũ lực chống lại Trung Quốc “nếu mọi chuyện trở nên sai trái”. Một tài liệu ngoại giao mật của Mỹ cho biết trong các cuộc trò chuyện với bà Clinton ở Washington vào tháng 3-2009, ông Rudd còn mô tả các nhà lãnh đạo Trung Quốc là “hoang tưởng” về vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.
Phản ứng lại thông tin trên, ông Rudd, hiện là Ngoại trưởng Úc, nói nước này có mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc và sẽ không liên lạc với Bắc Kinh về thông tin nói trên. Dù vậy, ông Rudd từ chối nói về tính xác thực của nội dung những tài liệu mật nói trên. Trong khi đó, Trung Quốc chưa có phản ứng gì về thông tin này. |
Việc lên kế hoạch cho một cuộc cải tổ như thế vẫn đang trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang làm việc với giả định rằng họ sẽ thay đổi nhân sự ở một số đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ trong những tháng tới.
Mục đích của Washington là bảo vệ các nhân vật có thể bị ảnh hưởng từ vụ tiết lộ gây chấn động thế giới này.
Khi được hỏi về kế hoạch nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Leslie Phillips cho hãng tin AFP biết: “Chúng tôi sẽ làm thế nếu thấy cần thiết”. Tuy nhiên, ông Phillips không cho biết thêm chi tiết.
Tương tự, thượng nghị sĩ John Kerry của Đảng Dân chủ cũng nói bóng gió về những thay đổi về nhân sự trong ngành ngoại giao bởi vụ rò rỉ của WikiLeaks.
Trả lời phỏng vấn đài NBC (Mỹ), ông Kerry nói: “Tôi không thể nói chi tiết cụ thể. Nhưng có thể là tại một số nơi nào đó, người ta sẽ nói rằng không thể làm việc với họ (các nhà ngoại giao Mỹ)”.
Trong một diễn biến liên quan, các luật sư đại diện cho ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, hôm 5-12, cho biết họ đang bị các mật vụ theo dõi đồng thời cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ hành xử không phù hợp bằng cách không tôn trọng nghi thức giữa luật sư và thân chủ.
Hai luật sư Jennifer Robinson và Mark Stephens của Công ty Luật Finers Stephens Innocent ở Anh cho báo The Guardian (Anh) biết họ đã bị theo dõi bởi một số người trên những chiếc xe đậu bên ngoài nhà mình vào tuần rồi.
Khi được hỏi rằng ai là người đang theo dõi họ, ông Stephens nói rằng đó là người của mật vụ. Bà Robinson cho biết nhóm pháp lý của ông Assange còn đang đối mặt với những hình thức gây sức ép khác từ Washington, như việc Bộ Ngoại giao Mỹ cố tình đánh đồng họ với WikiLeaks trong một lá thư gửi họ.
Tiết lộ gây tranh cãi
Trong lúc này, thêm nhiều nội dung tài liệu ngoại giao mật được tiết lộ. Đáng chú ý nhất là WikiLeaks đã công bố một danh sách mật hàng trăm cơ sở hạ tầng khắp thế giới được Washington xem là trọng yếu đối với an ninh quốc gia nước này.
Một điện tín ngoại giao được gửi đi từ Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 2-2009 yêu cầu tất cả phái bộ ở nước ngoài liệt kê tất cả cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên quan trọng mà “sự suy vong của chúng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, an ninh kinh tế và/hoặc an ninh quốc gia của Mỹ”.
Theo hãng tin AFP, danh sách này bao gồm các tuyến cáp ngầm dưới biển, đường ống dẫn dầu, trung tâm giao thông, thông tin liên lạc, cảng biển, nơi cung cấp vắc-xin phòng bệnh đậu mùa, nguồn tài nguyên khoáng sản và các công ty đóng vai trò chiến lược quan trọng tại các nước từ Áo cho đến New Zealand.
Ông Mark Stephans, luật sư của Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks. Ảnh: DEATHBYCUCUMBER.COM
Đài BBC (Anh) nhận định rằng đây có lẽ là tiết lộ gây tranh cãi nhất của WikiLeaks từ trước đến nay. Sự tiết lộ mới này có thể làm gia tăng những cáo buộc WikiLeaks không quan tâm đến việc liệu hành động của họ có tiếp tay cho khủng bố hay không.
Dù vậy, luật sư Mark Stephens phủ nhận rằng website này đang khiến người dân và các cơ sở hạ tầng gặp nguy hiểm. Ông cho đài BBC (Anh) biết: “Tôi không nghĩ là có điều gì mới trong danh sách đó”.
Cũng liên quan đến vấn đề khủng bố, một điện tín ngoại giao Mỹ bị rò rỉ khác cho thấy các cá nhân ở Ả Rập Saudi và những nước vùng Vịnh thân thiện với Mỹ đang là nguồn tài trợ chính cho Al-Qaeda, Taliban và những nhóm khủng bố khác.
Số tài liệu này cho thấy bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hạn chế nguồn tiền tài trợ cho những phần tử cực đoan ở Trung Đông, Washington tỏ ra thất vọng sâu sắc trước mức độ hợp tác của chính phủ các nước trong khu vực về vấn đề này.
Một điện tín ngoại giao đề ngày 30-12-2009 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton viết: “Thật khó khăn để thuyết phục các quan chức Ả Rập Saudi ưu tiên đối phó với vấn đề tài trợ cho khủng bố. Các nhà tài trợ ở Ả Rập Saudi đóng góp nhiều nhất cho các nhóm khủng bố Sunni trên thế giới”.
Trong khi đó, theo nội dung một số tài liệu ngoại giao mật của Mỹ được báo The Guardian (Anh) tiết lộ, kênh truyền hình Al-Jazeera đang là một trong những “công cụ chính trị và ngoại giao” có giá trị nhất của Qatar. Những tài liệu này cho biết Qatar đang sử dụng kênh truyền hình Al-Jazeera như là một công cụ mặc cả trong các cuộc thương thảo với những nước khác.
Thượng nghị sĩ Mỹ Mitch McConnell:
Julian Assange là kẻ khủng bố công nghệ cao
Hoàng tử Turki al-Faisal. Ảnh: AP |
Ông Mitch McConnell, thủ lĩnh Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, đã gọi nhà sáng lập website WikiLeaks Julian Assange là kẻ khủng bố công nghệ cao vì đã công bố tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Thượng nghị sĩ McConnell khẳng định rằng việc công bố trên mạng những trao đổi mật về ngoại giao đã gây tổn thất lớn cho nước Mỹ và mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh.
Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài truyền hình NBC, ông McConnell bày tỏ hy vọng Assange sẽ bị truy tố vì những tiết lộ trên WikiLeaks. Thậm chí, thượng nghị sĩ này còn nhấn mạnh nếu thực tế Assange không vi phạm luật thì luật pháp cần phải được thay đổi.
Trong khi đó, tại cuộc họp về an ninh vùng Vịnh, hoàng tử Turki al-Faisal của Ả Rập Saudi yêu cầu trừng phạt người cung cấp tài liệu mật của sứ quán Mỹ và sau đó đã được công bố trên WikiLeaks. Đồng thời, ông cho rằng lòng tin của các nhà ngoại giao Mỹ đã bị việc tiết lộ trên làm tổn thương.
Hoàng tử nhận định: “Nếu các nhà ngoại giao và các nhà lãnh đạo không thể tự do trao đổi quan điểm của họ về các vấn đề ảnh hưởng đến họ thì tất cả chúng ta đều sẽ gặp chuyện rắc rối”.
Hoàng tử Turki – cựu đại sứ tại London và Washington, cựu giám đốc cơ quan tình báo của Ả Rập Saudi – khẳng định rằng an ninh mạng hiện là mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.
L.San |
Bình luận (0)