Các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào ngành ô tô của Iran cũng như hoạt động giao dịch vàng và các kim loại chính khác sẽ có hiệu lực từ 11 giờ (giờ Việt Nam) hôm 7-8.
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng áp lực kinh tế sẽ buộc Iran phải đồng ý với thỏa thuận mới và chấm dứt các hành động "hung hăng" của mình. Ông Trump cũng cảnh báo các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm biện pháp trừng phạt có nguy cơ gánh chịu "hậu quả nghiêm trọng".
Tổng thống Donald Trump cho biết vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Iran. Ảnh: Reuters
Theo USA Today, tổng thống Mỹ cho rằng: "Trong khi tiếp tục gây sức ép tối đa lên kinh tế Iran, tôi vẫn để ngỏ khả năng nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn có thể xử lý các hành động khiêu khích của Tehran, bao gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố"
Anh, Pháp và Đức - các nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 cùng với Nga và Trung Quốc – lấy làm tiếc về động thái của Mỹ.
Phản ứng trước thông tin trên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng hành động đó là "chiến tranh tâm lý". Trả lời trên truyền hình quốc gia, ông Rouhani bác đề xuất về các cuộc đàm phán vào phút cuối. "Chúng tôi luôn ủng hộ ngoại giao và đàm phán... nhưng các cuộc đàm phán cần sự trung thực" - ông Rouhani nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác, truyền thông Triều Tiên hôm 6-8 thúc giục Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh Hàn Quốc đang điều tra 9 trường hợp vận chuyển than bị nghi vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Tờ Rodong Sinmun (Triều Tiên) cho rằng Bình Nhưỡng đã thể hiện thiện ý bằng cách chấm dứt các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, trao trả hài cốt các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nên các nghị quyết trừng phạt đã mất đi lý do để tiếp tục tồn tại.
Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau khi báo cáo bí mật của Liên Hiệp Quốc (LHQ) kết luận Triều Tiên vẫn chưa dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, vi phạm các nghị quyết của LHQ và tiếp tục buôn bán trái phép dầu, than đá và các hàng hóa khác.
Trong khi đó, các quan chức hải quan và Bộ ngoại giao Hàn Quốc cho biết đang xem xét 9 trường hợp nghi sai phạm, trong đó than đá từ Triều Tiên được ngụy trang thành hàng hóa của Nga để có thể được vận chuyển trót lọt.
Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc lách trừng phạt?
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới trong cuộc họp báo qua điện thoại về vấn đề Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, do Trung tâm Báo chí Mỹ-châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ở Brussels – Bỉ, tổ chức đêm 6-8.
Dưới đây là trích dẫn một số câu hỏi và trả lời:
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi về vai trò của Trung Quốc. Trong quá khứ, Trung Quốc bằng cách nào đó đã lách các trừng phạt của Mỹ. Thêm vào đó, trong khi các doanh nghiệp phương Tây bị giới hạn làm ăn với Iran, có thể thấy các doanh nghiệp Trung Quốc lại tăng cường sự hiện diện ở Iran và tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Iran. Liệu hiện tượng này có tái diễn không? Và làm cách nào để đối phó với điều đó khi nó lại xảy ra?
Quan chức Mỹ:
Tôi cho rằng Trung Quốc và các nước khác, các công ty trên khắp thế giới, bao gồm những tổ chức tài chính toàn cầu và các tổ chức khác đang nghe được thông điệp của chúng tôi rất mạnh mẽ và rõ ràng, rằng chúng tôi sẽ thi hành xông xáo các lệnh trừng phạt của mình. Và điều này đưa ra một phép thử quan trọng tới những công ty, ngân hàng và chính phủ xem họ muốn làm ăn với ai. Trung Quốc nhận thức rất rõ sự nghiêm túc của chúng tôi trong việc thực thi quyết liệt trừng phạt này. Và tất nhiên chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc. Chúng tôi không muốn chống lại Trung Quốc. Nhưng họ phải hiểu rằng chúng tôi rất nghiêm túc trong việc thực thi những lệnh trừng phạt này. Đó là những gì Tổng thống (Donald Trump) chỉ đạo chúng tôi thực hiện…
Câu hỏi: Xin cho biết bình luận của quý vị về phản ứng của châu Âu và "Tuyên bố Đáng tiếc" đưa ra hôm 6-8 của các nước châu Âu. (Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành áp dụng "Đạo luật Ngăn chặn" để bảo vệ các công ty của khối này hoạt động tại Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ hôm 6-8). Động thái ngăn chặn như vậy thực ra có ngăn chặn được gì không?
Quan chức Mỹ: Điều chúng ta sẽ thấy là các công ty lũ lượt thông báo sẽ rút khỏi Iran. Họ hiểu ý nghĩa của các lệnh trừng phạt của chúng tôi cũng như chúng tôi sẽ thực thi trừng phạt nghiêm ngặt như chúng tôi đã làm rồi. Tôi cho rằng họ cũng nhận thức được những rủi ro khác khi làm ăn ở một quốc gia mà nền kinh tế bị kiểm soát bởi IRGC (Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran), ở một nơi rất khó để biết công ty của bạn đang làm ăn với ai.
Bình luận (0)