Chính phủ Iran vẫn tỏ lập trường không nhượng bộ bất chấp kinh tế gặp sức ép trước mối đe dọa trừng phạt mới của Washington và Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ dịu giọng.
Nói lại cho rõ
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ở Nhà Trắng hôm 30-7, ông Trump tuyên bố sẽ gặp bất cứ lãnh đạo nào của Iran vào bất kỳ lúc nào họ muốn mà không cần điều kiện tiên quyết. Một cuộc gặp như thế sẽ tập trung thảo luận về việc cải thiện mối quan hệ song phương sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran.
Chưa có tổng thống Mỹ nào gặp một nhà lãnh đạo Iran kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran năm 1980. Nếu muốn theo đuổi con đường ngoại giao với Iran, ông Trump phải tìm kiếm sự ủng hộ của một số đồng minh hàng đầu tại khu vực, như Ả Rập Saudi và Israel.
Ông chủ Nhà Trắng bất ngờ thay đổi thái độ không lâu sau khi leo thang đấu khẩu và đe dọa với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Dù vậy, viễn cảnh của một cuộc gặp đột phá vẫn còn xa bởi thái độ cứng rắn của cả hai bên. Nhà Trắng sau đó nói lại cho rõ rằng ngay cả khi ông Trump để ngỏ khả năng đối thoại, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ dỡ bỏ trừng phạt hoặc nối lại quan hệ thương mại, ngoại giao với Tehran.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu một loạt điều kiện cụ thể để hội đàm Mỹ - Iran diễn ra. "Nếu Iran cho thấy họ cam kết có những thay đổi cơ bản về cách đối xử với người dân, giảm bớt hành vi xấu và có thể chấp nhận rằng một thỏa thuận ngăn họ phát triển hạt nhân là đáng giá, Tổng thống Trump mới sẵn sàng ngồi xuống thảo luận với họ" - ông Pompeo nói với đài CNBC (Mỹ).
Không chịu thua kém, Iran lập tức ra điều kiện. Ông Hamid Aboutalebi - cố vấn Tổng thống Iran Hassan Rouhani - hôm 31-7 cho rằng để mở đường cho đàm phán, Mỹ phải quay lại thỏa thuận hạt nhân được Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) ký kết năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). "Tôn trọng các quyền lợi của Iran, giảm bớt những hành động thù địch và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là các bước cần thiết để mở đường cho hội đàm Iran - Mỹ" - ông Aboutalebi viết trên Twitter.
Không ai nhường ai
Bộ Ngoại giao Iran hôm 30-7 cũng thẳng thừng bác bỏ thông tin nước này có thể đàm phán với Washington trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều áp lực, châm ngòi một số cuộc biểu tình phản đối trong nước. "Mỹ hoặc một phần nước Mỹ có thể bày tỏ mong muốn đàm phán nhưng sau khi Washington rút khỏi JCPOA bất hợp pháp, thực hiện các chính sách thù địch và tăng sức ép lên nền kinh tế Iran, tôi nghĩ sẽ không có chuyện đó" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi nói với hãng tin Tasnim (Iran).
Tuyên bố mạnh mẽ trên được đưa ra giữa lúc giá trị đồng rial giảm xuống mức thấp kỷ lục trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Mỹ có hiệu lực ngày 6-8. Ngân hàng trung ương Iran hôm 30-7 cho rằng đồng nội tệ rớt giá là do âm mưu của nước ngoài và không phản ánh chính xác thực tế của kinh tế Iran.
Hồi đầu tháng 7, Tehran đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), trong đó cáo buộc các lệnh trừng phạt mới của Washington vi phạm các hiệp ước quốc tế được thông qua sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Đến đầu tuần này, ICJ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Pompeo, thúc giục ông và chính quyền Tổng thống Trump hoãn các biện pháp trừng phạt mới. Đáp lại, theo trang The Washington Free Beacon (Mỹ), các quan chức Mỹ hôm 30-7 cho rằng cáo buộc của Iran là vô căn cứ và đang tìm cách ngăn cản vụ kiện.
Theo Reuters, mục tiêu lâu nay của Mỹ là Iran phải chấm dứt chương trình hạt nhân và sự hỗ trợ dành cho các nhóm vũ trang ở Trung Đông, nơi Iran bị cáo buộc liên quan đến các cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria và Yemen. Trong khi đó, Iran và các bên tham gia JCPOA còn lại đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận ngay cả khi các biện pháp trừng phạt mới của Washington lên Tehran ngày càng đến gần.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!