Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-2 bày tỏ hy vọng tiếp tục gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến diễn ra ở Hà Nội vào tuần tới.
Phát biểu với giới truyền thông tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết thêm có thể nới lỏng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng trước hết cần làm điều gì đó "ý nghĩa" về phi hạt nhân hóa. Nhắc lại quan điểm rằng Triều Tiên có tiềm năng phát triển kinh tế "to lớn", Tổng thống Mỹ nhận định ông và ông Kim có "mối quan hệ rất tốt" và sẽ không ngạc nhiên nếu cuộc gặp sắp tới đạt kết quả. Trước đó, hôm 19-2, ông chủ Nhà Trắng khẳng định không vội vã trong vấn đề giải giới hạt nhân của Triều Tiên.
Phát biểu nói trên của ông Trump là dấu hiệu rõ nhất cho thấy Mỹ sẵn sàng xem xét nới lỏng trừng phạt Triều Tiên trước khi nước này từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân bị xem là đang đe dọa đến Washington. Trước đó, theo Reuters, giới chức Mỹ nhấn mạnh trừng phạt vẫn được thực thi cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ở chiều ngược lại, Bình Nhưỡng muốn Washington dỡ bỏ trừng phạt, tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng như những bảo đảm về an ninh.
Một áp phích giới thiệu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội Ảnh: EPA-EFE
Phát biểu mới nhất của ông Trump về Triều Tiên được đưa ra giữa lúc đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun và Kim Hyok-chol, cựu đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, họp bàn công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội hôm 21-2. Tại cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên, theo tờ USA Today, ông Trump có thể yêu cầu Bình Nhưỡng cung cấp danh sách cơ sở hạt nhân có ý dỡ bỏ và đưa ra khung thời gian cụ thể để loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, đã xuất hiện phỏng đoán Tổng thống Mỹ có thể tìm cách thuyết phục ông Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa bằng cách đồng ý về một tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Nếu diễn ra, động thái trên có thể đi vào lịch sử và phù hợp với lập trường phản đối "các cuộc chiến kéo dài mãi" của ông Trump. Chưa hết, hơn sau 6 thập kỷ sau khi chiến sự trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt, một tuyên bố như thế cũng là điều dễ hiểu. Sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là điều tốt cho cả Mỹ, Hàn Quốc và có thể là cả Nhật Bản.
Với Bình Nhưỡng, theo AP, một hiệp ước hòa bình có thể mang đến sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế, sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt thương mại và khả năng Mỹ giảm quân số đồn trú tại Hàn Quốc.
Ngoài yêu cầu tuyên bố hòa bình nói trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tìm kiếm thêm nhượng bộ từ Mỹ và yêu cầu dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đang làm tổn thương nền kinh tế mình. Theo một số chuyên gia, một đề nghị hợp lý của ông Kim Jong-un tại cuộc gặp là cho phép bên ngoài kiểm chứng những gì Bình Nhưỡng đã làm trước và sau hội nghị đầu tiên, diễn ra ở Singapore vào tháng 6-2018. Những biện pháp này gồm dỡ bỏ một phần cơ sở thử hạt nhân ở Punggye-ri và cơ sở phóng tên lửa ở Tongchang-ri.
Số phận của khu phức hợp hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên cũng có thể là một nội dung thảo luận quan trọng tại hội nghị. Trả lời phỏng vấn trang Bloomberg hôm 15-2, ông Moon Chung-in, cố vấn của Tổng thống Moon Jae-in, tiết lộ nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận dỡ bỏ và thanh sát khu phức hợp hạt nhân này, qua đó cho thấy đây có thể là vấn đề hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tìm được tiếng nói chung.
Trong tháng này, ông Biegun đã gặp các quan chức Triều Tiên tại Bình Nhưỡng để bàn về những bước đi tương ứng của Mỹ nhằm đổi lấy việc đóng cửa cơ sở Yongbyon. Ông Biegun sau đó cho biết các cuộc thảo luận diễn ra "hữu ích" nhưng còn nhiều chuyện để làm trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra.
Bình luận (0)