Không lâu sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội khép lại mà không đạt được thỏa thuận nào, hai bên đã đưa ra những thông tin trái ngược nhau. Dù vậy, cả 2 phiên bản lý giải của Washington và Bình Nhưỡng đều chỉ đến chuyện trừng phạt là một trong những yếu tố chính cản trở tiến triển của cuộc đàm phán.
Còn khoảng cách
Tại cuộc họp báo không lâu sau khi hội nghị đột ngột kết thúc sớm hôm 28-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lý do cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không đạt kết quả là Bình Nhưỡng yêu cầu mọi biện pháp trừng phạt của Washington được dỡ bỏ trong lúc Triều Tiên không cam kết chắc chắn về việc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân. Trả lời phỏng vấn kênh Fox News sau khi về Mỹ, ông Donald Trump cho biết trong khi ông muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì Triều Tiên lại chỉ muốn phi hạt nhân hóa những khu vực nhất định và bản thân ông cũng chưa thực sự muốn nới lỏng trừng phạt nhằm vào nước này.
Ngược lại, tại cuộc họp báo đột xuất ở Hà Nội vào rạng sáng 1-3, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho khẳng định chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Đáng chú ý, theo ông Ri, các biện pháp trừng phạt này liên quan đến kinh tế và đời sống người dân Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho (phải) tại cuộc họp báo rạng sáng 1-3 Ảnh: REUTERS
Ông Ri cho biết thêm Triều Tiên còn đề xuất dừng vĩnh viễn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa tại cuộc gặp thượng đỉnh nhưng Mỹ đã lãng phí cơ hội "khó có thể quay trở lại" này. Một đề nghị "thực tế" khác là các chuyên gia kỹ thuật Mỹ và Triều Tiên cùng nhau dỡ bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân và làm giàu plutoni, urani tại Yongbyon trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ. Ông Ri gọi đây là "biện pháp phi hạt nhân hóa lớn nhất có thể thực hiện" dựa trên mức độ tin cậy giữa hai bên hiện nay và nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi lập trường ngay cả khi Washington đề nghị nối lại đối thoại.
Tại cuộc họp báo ở Philippines hôm 1-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có ý bác bỏ thông tin của ông Ri khi khẳng định Triều Tiên "về cơ bản đã yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ trừng phạt" nhưng lại không rõ ràng về quy mô những gì họ có thể làm trong việc dỡ bỏ cơ sở Yongbyon. Trái lại, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho Reuters biết Triều Tiên đề nghị dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt không liên quan đến vũ khí.
Kỳ vọng sớm nối lại thương thảo!
Bất chấp những nội dung mâu thuẫn trên, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 1-3 đăng tải thông tin tích cực về hội nghị thượng đỉnh lần 2 khi cho biết Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và xây dựng về những vấn đề thiết thực. Theo KCNA, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương. Bản thân Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đánh giá hội nghị ở Hà Nội đạt được tiến triển đáng kể dù hai bên vẫn còn khoảng cách. Vì thế, theo ông Pompeo, các cuộc thương thảo hạt nhân giữa hai bên sẽ nhanh chóng được nối lại.
Trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Donald Trump tiếp tục khẳng định mối quan hệ tốt với ông Kim Jong-un và bày tỏ sự lạc quan vào tương lai. Chuyên gia Daniel R. DePetris của Tổ chức Defense Priorities (Mỹ) đánh giá cao hướng tiếp cận này của ông chủ Nhà Trắng trong quá trình tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Viết trên trang Fox News, ông Daniel R. DePetris nhận định mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo càng tốt đẹp thì khả năng hai bên đạt được thỏa thuận nào đó càng cao trong lúc nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang càng thấp.
Theo tờ The New York Times, cơ hội cho ngoại giao sẽ càng gia tăng nếu hai bên có những nhượng bộ nhất định. Những thông tin từ phía Triều Tiên cho thấy họ sẵn sàng tiếp tục ngưng thử hạt nhân, tên lửa và sản xuất nhiên liệu hạt nhân tại Yongbyon. Đổi lại, Mỹ có thể nới lỏng trừng phạt liên quan đến các dự án liên Triều, như các dự án sản xuất, du lịch và đường sắt của Hàn Quốc ở Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 1-3 khẳng định sẽ tham vấn với Washington về cách thức nối lại những dự án như thế.
Ngoài ra, sự tham gia của các bên liên quan khác đến tiến trình phi hạt nhân hóa đã được nhắc đến sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, nhất là khi Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đều có những lợi ích an ninh của riêng mình. Đài DW (Đức) cho rằng bước đi kế tiếp là tất cả bên liên quan nói trên cùng tham gia với Mỹ và Triều Tiên trong việc tìm những giải pháp khả thi cho phi hạt nhân hóa, từ đó đặt nền tảng cho hòa bình lâu dài tại khu vực.
Bình luận (0)