Ông Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Trường ĐH Nhân dân, nhận định Trung Quốc vui mừng nếu có đột phá trong khu vực nhưng bù lại, nước này nên chú ý đến những ảnh hưởng địa chính trị sâu xa đến từ mối quan hệ khởi sắc Mỹ - Triều.
"Một khi không còn giá trị kiềm chế căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không còn được Tổng thống Trump nhượng bộ về thương mại" - chuyên gia Shi cảnh báo.
Ông Tập và ông Kim chưa từng thăm viếng nhau chính thức. Ảnh: Express
Xem Triều Tiên là vùng đệm chiến lược ngăn cách với lực lượng Mỹ và các đồng minh châu Á, Trung Quốc lâu nay kiên trì tiếp sức và trở thành đồng minh duy nhất cũng như nước bảo trợ kinh tế cho láng giềng.
Tuy nhiên, mối quan hệ "môi hở, răng lạnh" lao dốc những năm gần đây. Ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ thăm viếng nhau chính thức. Vào tháng 11 năm ngoái, ông Kim cũng không tiếp ông Tống Đào, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phái viên do ông Tập gửi đến Triều Tiên. Việc Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt ngày càng mạnh tay của Liên Hiệp Quốc cũng khiến Bình Nhưỡng nóng mặt.
Chuyên gia Zhang Liangui của Trường Đảng trung ương nhận định Bắc Kinh đã bị gạt ra lề bởi chính chiến lược của mình. "Trung Quốc luôn nói rằng hạt nhân là vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên, từ đó tự loại mình khỏi cuộc chơi" - ông Zhang nói.
Trong khi ông Zhang cho rằng Trung Quốc nên ngăn chặn chuyện Triều Tiên "về phe" Mỹ thì ông Lu Chao, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới thuộc Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh, vẫn đánh giá "Triều Tiên khó sống sót nếu không có Trung Quốc" và do đó Bắc Kinh tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng trên bán đảo này.
Bình luận (0)