Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22-3 đã công bố biện pháp áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trong động thái nhằm kiềm chế những hành vi bị xem là "sai trái" của Bắc Kinh nhưng nhiều khả năng dẫn đến hành động trả đũa.
Lý lẽ của Washington
Theo quan chức Nhà Trắng Raj Shah, ông Trump quyết định ra tay dựa trên cuộc điều tra kéo dài 7 tháng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - do chính ông ra lệnh - về cáo buộc Trung Quốc "đánh cắp" công nghệ và tài sản trí tuệ của Washington.
Theo kết quả điều tra, giới chức Mỹ cho biết đã tìm ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Bắc Kinh sử dụng những quy định giới hạn về sở hữu nước ngoài để buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Washington cũng nghi ngờ Bắc Kinh chỉ đạo các công ty đầu tư vào Mỹ với mục đích chuyển giao những công nghệ được chính phủ Trung Quốc xem là chiến lược. Theo trang Bloomberg, cuộc điều tra còn chứng tỏ Trung Quốc "hỗ trợ" và "tiến hành" các cuộc tấn công mạng vào công ty Mỹ để tiếp cận bí mật thương mại.
Đây là hành động thương mại đầu tiên của ông Trump nhằm vào Trung Quốc sau khi cáo buộc nước này lấy đi việc làm của nhiều người Mỹ. Ông Lighthizer hôm 21-3 khẳng định ngoài việc đánh thuế, Washington còn xem xét những lựa chọn khác, như hạn chế đầu tư.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không ngồi yên. "Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với ai nhưng sẵn sàng tham chiến nếu cần… Nếu Mỹ có hành động làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ đáp trả bằng những bước đi kiên quyết và cần thiết để bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tuyên bố ngày 22-3. Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên có những biện pháp "gây hại cho cả hai bên".
Lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ ký thỏa thuận làm ăn tại Bắc Kinh hôm 9-11-2017 Ảnh: REUTERS
Cảnh báo của Bắc Kinh
Theo Reuters, Trung Quốc đã xác định nông nghiệp là điểm yếu tiềm tàng của Washington để trả đũa, nhất là đậu nành nhập khẩu từ Mỹ. Các bang nông nghiệp của Mỹ từng hậu thuẫn mạnh mẽ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ngoài nông nghiệp, những mục tiêu tiềm tàng khác, theo Bloomberg, là công nghệ, hàng tiêu dùng, máy bay, dịch vụ, giáo dục và ngoại hối.
Bản thân ông Lighthizer cũng thừa nhận Trung Quốc có thể nhằm vào nông sản nhập khẩu của Mỹ, nhất là đậu nành và tuyên bố nếu chuyện này xảy ra, Washington sẽ có biện pháp trả đũa. Dù vậy, ông cho rằng không ai giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại - một lập trường đi ngược với ông Trump, người cho rằng chiến tranh thương mại là "điều tốt và dễ dàng giành chiến thắng"
Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng không muốn kịch bản xấu này xảy ra khi họ cảnh báo việc trừng phạt hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể làm tăng giá tiêu dùng và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Một số nhà lập pháp Mỹ cũng kêu thận trọng và tránh áp đặt thuế phân biệt đối xử nhằm vào Trung Quốc. Ông Kevin Brady, nghị sĩ Đảng Cộng hòa, cho rằng Mỹ cần tiến hành một cuộc thảo luận công khai rộng rãi hơn trước khi thực hiện các biện pháp thương mại mới. "Đây không phải là sự chùn bước mà là để bảo đảm đánh trúng mục tiêu" - ông Brady giải thích.
Đi xa hơn, các nhà hoạch định chính sách, như Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, cảnh báo xung đột thương mại toàn cầu có thể cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới. Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trong đó các đồng tiền và thị trường chứng khoán khó tránh tác động tiêu cực.
Việc áp thuế của Mỹ được xem là phép thử đối với chính phủ Trung Quốc giữa lúc ông Trump không ngừng phàn nàn về mức thâm hụt thương mại lên đến 375 tỉ USD với Bắc Kinh và muốn giảm bớt. Trong động thái xoa dịu chỉ trích, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 20-3 cam kết sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực sản xuất và cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu. Song song đó, theo ông Lý, Bắc Kinh sẽ không buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước và sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bình luận (0)