Theo báo cáo của THO, dựa trên Đạo luật Chống những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) ký vào tháng 8-2017, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này mua S-400 từ Nga.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Moscow và Ankara đã ký thỏa thuận cung cấp hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thoả thuận này là một phần của kế hoạch thúc đẩy tuyến đường ống khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", qua đó làm cho Thổ Nhĩ Kỳ tăng sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga cũng như có thể kích động Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt.
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Sputnik
THO cho biết hơn 50% lượng khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga trong năm 2017.
Ngoài thoả thuận S-400, sự hỗ trợ của Washington đối với Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) hoạt động ở phía Đông sông Euphrates - Syria cũng được dự báo sẽ làm mối quan hệ giữa Washington và Ankara tiếp tục căng thẳng.
Trong một diễn biến khác, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tấn công một số mục tiêu ở Iraq, hơn 1 tuần sau khi nước này mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria.
Hãng tin Anadolu thông báo máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công 8 mục tiêu ở miền Bắc Iraq, phá hủy nơi trú ẩn và kho vũ khí của các phần tử "chuẩn bị tấn công các đồn biên phòng của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới".
Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
Các cuộc không kích diễn ra ở Iraq Zap, Avasin, Basyan và Hakurk nhưng Baghdad chưa lên tiếng xác nhận.
Hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria. Ankara phát động "Chiến dịch Nhành Oliu" tại thị trấn Afrin – do YPG kiểm soát - từ ngày 20-1.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara "sẽ truy quét những kẻ khủng bố cho đến tận lãnh thổ Iraq". Tuyên bố này sau đó được bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh thêm rằng Ankara sẽ không hạn chế hoạt động quân sự của mình tại thị trấn Afrin - Syria và sẵn sàng chiến đấu ở Iraq nếu cần thiết để tiêu diệt bọn khủng bố.
Bình luận (0)