Theo ông Richardson, quân đội Mỹ gần đây chứng kiến Trung Quốc điều tàu khảo sát xung quanh bãi cạn Scarborough, cách căn cứ của Philippines tại Vịnh Subic khoảng 200 km về phía Tây. Bãi cạn này Bắc Kinh chiếm đóng trái phép từ năm 2012 sau tranh chấp với Philippines.
“Tôi nghĩ chúng tôi nhìn thấy một số tàu nổi và hoạt động giống như khảo sát đang diễn ra. Đó là một khu vực đáng lưu tâm… cũng có thể là khu vực tiếp theo (Trung Quốc) muốn cải tạo đất” – ông Richardson nói với Reuters.
Hồi tháng 7 năm ngoái, hãng Google đã xóa tên Trung Quốc khỏi bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) khỏi dịch vụ bản đồ Google Maps của mình, sau đó thay bằng tên quốc tế thường sử dụng.
Tư lệnh Hải quân Mỹ không chắc các hoạt động vừa nêu có diễn ra gần bãi cạn Scarborough hay không. Tuy nhiên, ông lo ngại hành động đơn phương xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại một số khu vực khác ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) đe dọa tự do hàng hải, đồng thời đặt ra “quy tắc” buộc tàu thuyền của các nước liên quan phải “xin phép” trước khi qua lại.
Ông Richardson cũng bày tỏ quan tâm về động thái thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như Bắc Kinh từng thực hiện ở biển Hoa Đông vào năm 2013, trong bối cảnh Trung Quốc từ chối tham dự các phiên điều trần về vụ kiện của Philippines lên Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan.
Tháng 11-2013, Mỹ phản đối Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông bằng việc triển khai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực để phô trương sức mạnh quân sự.
Ấn Độ và Nhật Bản từ năm 2014 đã kết hợp cùng Hải quân Mỹ tổ chức cuộc tập trận trên biển Malabar. Hai nước cũng dự định tham gia một cuộc tập trận phức tạp hơn cùng với Mỹ trong năm nay gần biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ siết chặt quan hệ hơn bao giờ hết để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, theo ông Richardson.
Ông cho biết quân đội Mỹ đã nhìn thấy cơ hội tốt để xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực như Philippines và Ấn Độ.
Bình luận (0)