Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã đến Trung Quốc ngày 16-7 để bàn chuyện hợp tác đối phó tình trạng toàn cầu ấm dần lên, giữa lúc thủ đô Bắc Kinh trải qua một trong những mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận.
Theo trang Bloomberg, chuyến đi kéo dài đến ngày 19-7 này là phép thử cho khả năng hai nước thải khí nhà kính hàng đầu thế giới cộng tác trong cuộc chiến nói trên, bất chấp còn khác biệt về nhiều vấn đề khác. Sự kiện này cũng đánh dấu việc hai nước nối lại đàm phán khí hậu sau gần 1 năm đình trệ.
Trong các cuộc thảo luận sắp tới, theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về chuyện hợp tác đối phó biến đổi khí hậu. Cụ thể hơn, theo Reuters, hai bên dự kiến bàn về những vấn đề như: giảm khí thải methane gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế sử dụng than và phá rừng, cũng như giúp các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu.
Thời tiết nắng nóng ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 1-7. Ảnh: REUTERS
Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể lên tiếng phản đối việc Mỹ áp đặt thuế quan và các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm vào vật liệu tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Mỹ nhiều khả năng thúc giục Trung Quốc củng cố các cam kết theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu ký kết năm 2015.
Theo sau các chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, ông John Kerry là quan chức Mỹ thứ ba đến Trung Quốc thời gian gần đây trong nỗ lực tái thiết lập mối quan hệ song phương ổn định.
Phát biểu trước chuyến đi, ông Kerry cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn với giới chức nước chủ nhà, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên đạt tiến triển về vấn đề giảm khí thải methane, đẩy nhanh chuyển hướng khỏi than đá và sử dụng năng lượng tái tạo.
Một số chuyên gia nhận định chuyến đi của ông Kerry có thể không mang đến kết quả đột phá tức thì nhưng có thể mở đường cho những tuyên bố hoặc cam kết sau này. Trước mắt, hai nước có thể nối lại hoạt động của nhóm công tác chung về hợp tác khí hậu và cam kết tiếp tục liên lạc.
Ngoài ra, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn trước khi các hội nghị khí hậu được Liên Hiệp Quốc bảo trợ diễn ra vào cuối năm nay. Trước đó, theo Reuters, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc đã góp phần đặt nền móng cho Hiệp định Paris, theo đó đặt ra mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mỹ và Trung Quốc hiện có một số điểm chung liên quan đến vấn đề khí hậu. Hai nước đang đầu tư mạnh vào năng lượng sạch và cam kết cộng tác về lĩnh vực này trong tuyên bố chung đưa ra năm 2021.
Cả hai nước hiện cũng đối mặt tác động của thời tiết cực đoan. Chẳng hạn, thủ đô Bắc Kinh vừa trải qua ngày nóng nhất trong tháng 6 từng được ghi nhận với nhiệt độ lên đến 41,1 độ C. Trong khi đó, theo đài CNN, một đợt nắng nóng đang hoành hành ở Mỹ, với nhiệt độ ở miền Tây Nam có lúc tăng lên đến 49 độ C.
Theo một số nhà phân tích, nhiều kỷ lục nhiệt độ cao đã liên tục bị phá thời gian qua. Điều đó càng đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng nối lại hợp tác trong vấn đề khí hậu bởi cuộc khủng hoảng này sẽ không đợi cho đến khi hai nước cải thiện được quan hệ.
Ứng phó bão Talim
Tân Hoa Xã ngày 16-7 cho biết chính quyền các tỉnh miền Nam Trung Quốc đang yêu cầu tàu, thuyền trở về cảng để trú ẩn, đồng thời tạm ngừng hoạt động vận chuyển phà trong bối cảnh bão Talim đang đến gần.
Theo Cơ quan Khí tượng Hải Nam, bão Talim được dự báo sẽ đổ bộ gần TP Văn Xương, tỉnh Hải Nam và TP Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông vào chiều tối 17-7 (giờ địa phương). Cơ quan này cũng nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với bão Talim từ cấp IV lên cấp III, đồng thời dự báo bão gây ra mưa lớn và gió mạnh từ ngày 16-7.
Trong khi đó, Đài Quan sát khí tượng tỉnh Quảng Đông cho biết bão Talim sẽ gây ra mưa lớn và gió mạnh ở tỉnh này từ ngày 17 đến 18-7. Cơ quan này cũng cảnh báo về thiệt hại tiềm tàng do bão Talim gây ra đối với các cảng ven biển, đê chắn sóng, các cơ sở liên quan và mùa màng.
Nhà chức trách tỉnh Quảng Đông đã khởi động mức ứng phó cấp IV đối với bão Talim. Các cơ quan hàng hải địa phương đã tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn giao thông ở cửa sông Châu Giang, eo biển Quỳnh Châu, quần đảo Vạn Sơn và các khu vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi bão Talim, song song với việc chặn tàu thuyền ra khơi.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)