Nhà lãnh đạo này kỳ vọng thỏa thuận sẽ được ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết trong vòng 4 đến 5 tuần tới. Sự kiện ký kết có thể diễn ra bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng 11.
Theo những gì đã thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua thêm nhiều nông sản của Mỹ - tổng giá trị tăng lên 40-50 tỉ USD/năm, hơn gấp đôi mức năm 2017. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết hai bên đã thảo luận về việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty dịch vụ tài chính Mỹ. Về vấn đề chuyển giao công nghệ, ông Donald Trump nói các cuộc đàm phán tiến triển khá tốt và thỏa thuận sẽ sớm đạt được dù không cho biết chi tiết. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, hai bên còn nhất trí một thỏa thuận về sở hữu trí tuệ. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hai bên còn đang hoàn thiện một cơ chế giải quyết tranh chấp. Washington xem cơ chế này là yếu tố quan trọng để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào. Cũng theo lời ông Lighthizer, đợt thuế dự kiến đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12 tới có thể bị hủy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 11-10Ảnh: Reuters
Dù vậy, theo trang Bloomberg, giới chức Mỹ cho biết vấn đề liên quan đến Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) không nằm trong thỏa thuận giai đoạn 1 mà sẽ được thảo luận trong giai đoạn đàm phán thứ hai. Ở chiều ngược lại, hai nguồn tin chính phủ Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đã hoàn tất "danh sách thực thể không đáng tin cậy" nhằm trừng phạt các công ty gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc và đang chờ phê duyệt. Ngoài ra, việc danh sách này có được công bố hay không còn tùy thuộc tiến triển của cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 12-10 không đề cập bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào với Mỹ. Thay vào đó, họ nhận định hai bên đã đạt được tiến triển về một loạt vấn đề, như nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, tăng cường hợp tác thương mại… nhưng sự không chắc chắn vẫn còn đó. Theo Tân Hoa Xã, mối quan hệ Trung - Mỹ trở nên phức tạp hơn và việc tìm giải pháp có thể chấp nhận đối với các vấn đề thương mại và kinh tế có thể là một quá trình lâu dài.
Trước mắt, một cuộc đình chiến tạm thời giữa hai nước vẫn được xem là diễn biến tích cực đối với thị trường thế giới trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về những thiệt hại kinh tế nhiều hơn nữa từ thương chiến. "Ngay cả khi căng thẳng Mỹ - Trung chỉ mới tạm hoãn, đây vẫn là điều rất tốt và khiến các thị trường bớt căng thẳng" - ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), nói với đài CNBC. Tỏ ra bi quan hơn, ông David Dollar, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), cảnh báo bất kỳ thỏa thuận nào 2 nước đạt được có thể sẽ không kéo dài. Chuyên gia này nhắc lại có những thời điểm Mỹ và Trung Quốc sắp tiến gần đến một thỏa thuận nhưng sau đó lại leo thang căng thẳng và cuộc chiến thuế quan.
Thương chiến Mỹ - Trung đã kéo dài hơn một năm với việc Washington đánh thuế lên hàng tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh áp thuế trả đũa. Cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
Bình luận (0)