Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về biển Đông tiếp tục gia tăng sau khi Bắc Kinh được cho là đã bắn tên lửa đạn đạo ra vùng biển này, chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tay xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở đó.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho Reuters biết Trung Quốc đã bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển Đông hôm 26-8. Các tên lửa này đều được phóng đến khu vực giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Theo trang Bloomberg, địa điểm này không xa nơi 2 tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan tập trận gần đây để củng cố lập trường của chính quyền Tổng thống Trump, theo đó phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27-8 khẳng định các cuộc tập trận của họ không nhằm vào một nước cụ thể nào nhưng không nhắc gì đến thông tin về vụ phóng tên lửa. Trước đó 2 ngày, hôm 25-8, phát ngôn viên bộ này cáo buộc máy bay do thám Mỹ đi vào "vùng cấm bay" trên biển Bột Hải do Bắc Kinh lập ra trong lúc tiến hành tập trận. Bắc Kinh mô tả chuyến bay trên là hành động khiêu khích và thúc giục Washington chấm dứt những động thái như thế.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin hoạt động ở biển Đông gần đây. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo giới phân tích, hành động phóng tên lửa trên là nhằm đáp trả sức ép đang tăng của Mỹ và phát đi cảnh báo đến 2 mục tiêu quan trọng của Washington: tàu sân bay và các căn cứ tại khu vực. Báo South China Morning Post (Hồng Kông) cho biết trong số tên lửa được phóng có DF-21D và DF-26B. Với tầm bắn ước tính lên đến 4.500 km, tên lửa DF-26 có thể vươn đến các cơ sở của Mỹ ở đảo Guam, đảo Diego Garcia và thậm chí là TP Darwin của Úc, theo đài Al Jazeera.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc khoe loại tên lửa DF-21 có khả năng đánh trúng các mục tiêu di chuyển trên biển và gọi đó là "sát thủ tàu sân bay". Ông Carl Schuster, chuyên gia tại Trường Đại học Thái Bình Dương Hawaii, nhận định với trang Bloomberg rằng thông điệp của Bắc Kinh là nếu Mỹ triển khai 2 tàu sân bay ở biển Đông, Trung Quốc sẽ đưa tên lửa "sát thủ tàu sân bay" đến đó.
Phản ứng trước thông tin về vụ phóng tên lửa nói trên, Phó Đô đốc Scott Conn, Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, hôm 26-8 khẳng định Washington sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào các đồng minh hoặc đối tác ở khu vực. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Conn nhấn mạnh Hải quân Mỹ vẫn đang hiện diện mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. Theo ông Conn, 38 tàu Hải quân Mỹ tại khu vực này sẽ tiếp tục hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép để thể hiện cam kết của Washington đối với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 26-8 chỉ trích Trung Quốc không giữ cam kết về tuân thủ luật pháp quốc tế. Phát biểu trong chuyến thăm Hawaii, ông Esper chỉ trích quân đội Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa mạnh mẽ với tham vọng trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này. "Điều này chắc chắn sẽ liên quan đến hành vi khiêu khích của quân đội Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông cũng như bất kỳ nơi nào mà chính phủ Trung Quốc xem là quan trọng đối với lợi ích của họ" - ông Esper nói.
Nhật Bản lo ngại
Nhật Bản hôm 27-8 bày tỏ quan ngại trước các động thái gần đây của Trung Quốc ở biển Đông sau khi xuất hiện thông tin Bắc Kinh phóng tên lửa ra biển Đông. "Chúng tôi kịch liệt phản đối bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở biển Đông" - Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tại một cuộc họp báo khi được hỏi về thông tin trên. Theo ông Suga, các vấn đề quanh biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Quan chức này nhấn mạnh các nước tại khu vực nên tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình.
Theo tờ The Japan Times (Nhật Bản), thông tin Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển Đông gây lo ngại cho Tokyo vì ngày càng có nhiều tên lửa Trung Quốc đặt các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản vào tầm ngắm. Quân đội Mỹ cho biết khoảng 95% số tên lửa trong kho vũ khí Trung Quốc có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Điều này đồng nghĩa các cơ sở quan trọng của Mỹ trên khắp Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu của hàng ngàn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Bắc Kinh.
Xuân Mai
Bình luận (0)