Cuộc gặp diễn ra nhân chuyến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại APEC 2023 diễn ra tại TP Detroit (bang Michigan - Mỹ) trong hai ngày 24 và 25-5 tại Mỹ.
Đây là cuộc trao đổi cấp bộ trưởng đầu tiên giữa 2 nước trong nhiều tháng, sau một loạt căng thẳng về thương mại và an ninh quốc gia, được cho là làm chậm kế hoạch tái hợp tác giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Reuters dẫn lời Bộ Thương mại Mỹ rằng đôi bên đã có cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung, bao gồm môi trường tổng thể ở cả hai nước về thương mại, đầu tư, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Bà Raimondo nêu lên mối lo ngại về một loạt hành động gần đây của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ hoạt động tại nước này. Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết ông Vương Văn Đào cũng bày tỏ lo ngại về các chính sách của Mỹ đối với kinh tế và thương mại Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề chất bán dẫn, cũng như các vấn đề liên quan đến kiểm soát xuất khẩu và xem xét việc đầu tư ra nước ngoài của các công ty Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng đây là một cuộc trao đổi thẳng thắn, chuyên nghiệp và mang tính xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: REUTERS
Cả hai bên đồng ý thiết lập và duy trì các kênh liên lạc cởi mở, thống nhất duy trì và tăng cường trao đổi về các vấn đề liên quan.
Ông Vương Văn Đào cũng dự kiến sẽ gặp Đại diện thương mại Mỹ Kinda Tai bên lề APEC; trong khi bà Raimondo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đều bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc.
Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, nhiều nhà kinh tế dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng sớm hơn dự kiến do sự phục hồi kinh tế của nước này đang "mất đà".
Mức cắt giảm dự kiến là 0,25 điểm %, khiến tỉ lệ dự trữ bắt buộc - liên quan đến lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ - giảm từ 10,75% xuống còn 10,5%. Các chuyên gia cho rằng quyết định sẽ được đưa ra vào cuối quý III/2023, thay vì trong quý IV như dự báo ban đầu. Tỉ lệ sau cắt giảm có thể được giữ nguyên cho đến ít nhất cuối năm 2024.
Sự mất đà của tiến trình phục hồi xảy ra trong những tuần gần đây sau sự bùng nổ ban đầu trong hoạt động của người tiêu dùng khi Trung Quốc vừa dỡ bỏ các chính sách thời đại dịch COVID-19.
Dữ liệu tháng này cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định đều tăng chậm hơn dự kiến, trong khi lạm phát gần bằng 0 và người tiêu dùng không muốn vay mượn.
Điều này khiến các nhà kinh tế học được khảo sát hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay xuống còn 5,5%, thấp hơn một chú so với ước tính cũ là 5,6%. Còn chính phủ Trung Quốc trước đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP khá thận trọng là 5%.
Bình luận (0)