Lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm, Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tháng 5 qua có phiên thảo luận đầu tiên về sự cạnh tranh chiến lược ở Nam Thái Bình Dương.
Cạnh tranh chiến lược
Đây là diễn biến khó tránh sau khi Trung Quốc tăng cường tiếp cận khu vực này với những mục tiêu kinh tế, ngoại giao và an ninh rõ ràng.
Trước thách thức mới từ Bắc Kinh, Mỹ dĩ nhiên không chịu ngồi yên bởi Washington xem khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc gia. Những "tay chơi" khác, như Nhật Bản, Úc, New Zealand và thậm chí là Ấn Độ cũng có những bước đi để bảo vệ và gia tăng lợi ích của riêng mình.
Một tàu quân sự Trung Quốc cập cảng ở TP Sydney - Úc hồi đầu tháng 6. Ảnh: EPA
Sự quan tâm từ bên ngoài mang lại vui buồn lẫn lộn cho khu vực gồm 16 đảo quốc với tổng cộng 3,2 triệu dân ở Nam Thái Bình Dương.
Mặt tích cực là sự chú ý mới hứa hẹn mang đến triển vọng phát triển kinh tế mà nơi này đang cần. Dù vậy, đi cùng với điều này là nguy cơ phát triển không kiểm soát, với những dự án thiếu khôn ngoan, nguy cơ nợ nần chồng chất và sự xuống cấp của môi trường.
4 mục tiêu của Trung Quốc
Một báo cáo mới của Công ty đánh giá rủi ro toàn cầu Oxford Analytica (Anh) cho rằng Trung Quốc có 4 mục tiêu khi mở rộng ảnh hưởng sang Nam Thái Bình Dương.
Một là mở rộng vành đai an ninh đến khu vực mà cho đến giờ vẫn được xem là "địa bàn" của Mỹ và các đồng minh, đồng thời thiết lập vùng đệm giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Hai là đẩy mạnh cuộc tranh đua ngoại giao với Đài Loan. Hiện có 6 đảo quốc Thái Bình Dương duy trì quan hệ với Đài Loan - Quần đảo Solomon, Palau, Nauru, Kiribati, Tuvalu và Quần đảo Marshall.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (hàng dưới, bên phải) và Thủ tướng Úc Scott Morrison (hàng trên, bên phải) tại cuộc gặp hôm 2-6. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Úc
Ba là tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực, nhất là hải sản và gỗ. China hiện là đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn đảo quốc tại khu vực và đầu tư 30 tỉ USD tại những nơi này.
Bốn là lôi kéo các nước tại khu vực tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, từ đó mang lại lợi ích cho hoạt động thương mại và triển khai hải quân của Bắc Kinh.
Tranh giành ảnh hưởng
Kể từ Thế chiến II, các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương chịu sự ảnh hưởng của Mỹ, Úc, New Zealand và Pháp. Trong số này, Úc hiện là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho khu vực. Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp an ninh cho Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia.
Bắc Kinh bắt đầu mở rộng ảnh hưởng đến khu vực này vào đầu những năm 2000 nhằm lôi kéo những đảo quốc có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Giờ đây, Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon, người vừa trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng 4 qua, cho biết sẽ đánh giá lại quan hệ với Đài Loan.
Úc và Mỹ đang có những nỗi lo an ninh trong trường hợp Quần đảo Solomon ngày càng thân với Trung Quốc. Hồi năm 2017, ông Sogavare mất ghế thủ tướng sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội liên quan đến cáo buộc ông nhận hối lộ để trao cho Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) hợp đồng lắp đặt tuyến cáp quang từ Quần đảo Solomon đến TP Sydney - Úc.
Có thông tin nói Trung Quốc muốn lập căn cứ hải quân tại Vanuatu. Ảnh: Twitter
Úc, cùng với Mỹ, đang cấm sử dụng các hệ thống của Huwei trong mạng viễn thông của mình do lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng công nghệ này cho mục đích do thám.
Canberra sau đó đã thuyết phục được Quần đảo Solomon hủy hợp đồng của Huawei.
Nỗi lo an ninh khác là thông tin Trung Quốc thảo luận với Vanuatu về việc lập một căn cứ hải quân trên hòn đảo này. Đáng chú ý là Vanuatu nằm ở trung tâm các quần đảo Nam Thái Bình Dương và chỉ cách bờ biển phía Đông của Úc khoảng 1.500 km.
Một căn cứ như thế tại Vanuatu sẽ giúp Trung Quốc cải thiện khả năng hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cả Vanuatu và Trung Quốc đều bác bỏ thông tin trên nhưng giới chức Úc vẫn lo ngại kịch bản này bởi họ đánh giá Vanuatu là "đối tác chiến lược tự nhiên" của Bắc Kinh.
Bình luận (0)