2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở Tây Thái Bình Dương trong khi tàu sân bay USS Nimitz hiện diện ở Đông Thái Bình Dương, theo thông cáo báo chí của hải quân Mỹ gần đây. Mỗi tàu sân bay này chở theo hơn 60 máy bay.
“Tàu sân bay và các nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ" - chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy tác chiến Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ khẳng định.
Ông Koehler cũng chỉ trích Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn quân sự ở biển Đông, bố trí tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử trên đó.
Tàu sân bay USS Nimitz tại Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ
Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz diễn tập ở Thái Bình Dương trong tháng này. Ảnh: Hải quân Mỹ
Các tư lệnh chỉ huy hải quân Mỹ cũng chỉ ra rằng sự hiện diện cùng lúc của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay nêu bật cam kết của Washington đối với khu vực và các đồng minh.
Giới phân tích cho rằng Mỹ muốn gửi thông điệp răn đe đến Trung Quốc thông qua động thái trên.
"Truyền thông Trung Quốc cho rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy yếu vì dịch Covid-19. Vì thế, đây có lẽ là nỗ lực của Mỹ nhằm gửi thông điệp cảnh báo Trung Quốc đừng tính toán sai lầm" - bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (trụ sở ở Mỹ), nhận định.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời cảng Apra ở Guam hôm 4-6. Ảnh: Hải quân Mỹ
Không gì lạ khi truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng mạnh trước động thái quân sự mới nói trên của Mỹ và tuyên bố Bắc Kinh sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực.
Ông Collin Koh, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Singapore, nhận định Bắc Kinh phản ứng như thế là do sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ “đi ngược lại" những gì họ mô tả về cái gọi là dịch Covid-19 khiến hải quân Mỹ lao đao.
Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ xem Trung Quốc là mối quan ngại an ninh hàng đầu và các lãnh đạo Lầu Năm Góc đang tìm cách chuyển thêm nguồn lực và tài sản quân sự đến khu vực để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.
Chuẩn đô đốc Koehler cho biết chuyện 3 tàu sân bay Mỹ hiện diện lâu dài cùng lúc ở Thái Bình Dương có thể không diễn ra thường xuyên nhưng đó là điều Washington có thể tiến hành nếu muốn.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan. Ảnh: Hải quân Mỹ
Không dừng lại ở mặt biển, áp lực của Mỹ dồn lên Trung Quốc ở biển Đông còn đến từ trên không và dưới đáy biển. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ vào tháng rồi cho biết tàu ngầm của họ đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương nhưng không cho biết con số cụ thể. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng hơn 8 tàu ngầm có thể đã được triển khai.
Ngoài ra, Không quân Mỹ còn sử dụng máy bay ném bom B-1B và máy bay do thám không người lái Global Hawk RQ-4 để hỗ trợ các sứ mệnh ở Thái Bình Dương.
Bình luận (0)