Các quan chức Mỹ cho rằng việc phê chuẩn UNCLOS mang lại nhiều lợi ích kinh tế và quân sự cho Mỹ. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cả Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta còn cho rằng hiệp ước trên là cần thiết để tăng cường sự tín nhiệm của Mỹ khi nước này tìm cách đối phó với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz của Iran.
Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng việc không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho các đồng minh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Hãng tin AP dẫn lời bà Clinton cho biết những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông đã vượt quá những gì công ước này cho phép. Bà Clinton nói thêm rằng Mỹ ủng hộ những nước “đang bị đe dọa” bởi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tại cuộc điều trần hôm 23-5. Ảnh: GETTY IMAGES
Thượng nghị sĩ Barbara Boxer của Đảng Dân chủ cũng chỉ trích những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Bà Boxer đã đưa ra một bản đồ cho thấy những tuyên bố này đã vượt xa bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và “tiến rất gần đến biên giới trên đất liền của các nước trong khu vực”.
Dù vậy, theo hãng tin Reuters, một số thượng nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa vẫn phản đối việc phê chuẩn UNCLOS lâu nay do lo ngại viễn cảnh Mỹ sẽ tham gia một tổ chức mà họ không có quyền phủ quyết nào và nhượng quyền kiểm soát tài nguyên dầu khí tại thềm lục địa cho tổ chức này. Vì thế, dù Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ UNCLOS 2 lần trong thập kỷ qua nhưng vấn đề này chưa từng được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ.
Tại cuộc điều trần nói trên, thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết ông dự định sẽ không đưa việc phê chuẩn UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi cuộc bầu cử năm 2012 diễn ra để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận động tranh cử.
Trung Quốc bác cáo buộc của Philippines Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24-5 cho biết những hoạt động của ngư dân nước này ở khu vực tranh chấp với Philippines ở biển Đông là “tuân thủ luật pháp Trung Quốc và không vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá mà Bắc Kinh áp đặt”. Bên cạnh đó, tuyên bố dẫn lời người phát ngôn Hồng Lỗi cho biết số lượng thuyền đánh cá Trung Quốc ở khu vực nói trên (Philippines gọi là bãi cạn Scarborough, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) là 20, không phải 16 như thông tin của Philippines đưa ra trước đó. Theo website GMA News, tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc có những cáo buộc của Philippines rằng Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp và tiếp tục hoạt động đánh bắt cá mang tính chất hủy hoại. Theo Manila, 16 tàu đánh cá và 76 tàu nhỏ hơn đang có mặt tại bãi cạn Scarborough và đánh bắt những loài đang gặp nguy hiểm.
Bình luận (0)