Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Nga có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc giúp chấm dứt các cuộc không kích ở Syria nhưng lại bác đề nghị tiến hành chiến dịch tấn công khủng bố chung của Moscow.
Nói không với Moscow
Trong cuộc điện đàm hôm 23-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi người đồng cấp Nga Sergey Lavrov thúc ép chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngưng tấn công TP Aleppo và các khu vực ngoại ô thủ đô Damascus. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, việc chấm dứt không kích tại 2 khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực duy trì thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại Syria, đồng thời cho phép nối lại hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua.
“Nga có trách nhiệm đặc biệt trong việc thúc ép chế độ (ông Assad) chấm dứt các cuộc tấn công và không kích khiến dân thường thiệt mạng” - ông Toner nhận định. Mỹ còn cáo buộc ông Assad cản trở dân thường tiếp cận hàng cứu trợ nhân đạo và thúc giục Nga can thiệp.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết ông Lavrov phản hồi thế nào trước lời kêu gọi của ông Kerry. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nói 2 ngoại trưởng đã thảo luận đề xuất của Moscow về việc tiến hành chiến dịch chung nhằm vào các nhóm khủng bố và vũ trang trái phép ở Syria. Tuy nhiên, ông Toner khẳng định Washington không tìm kiếm sự hợp tác này mà đang thảo luận về những cơ chế bền vững nhằm tăng cường giám sát và thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn.
Theo trang Politico, một trở ngại lớn khác đối với thỏa thuận ngừng bắn lúc này là Mỹ - Nga chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề phân loại các nhóm vũ trang ở Syria. Ông Assad xem bất kỳ ai tìm cách lật đổ mình là khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ chỉ xem một số nhóm là khủng bố, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc Mặt trận al-Nusra.
Theo kênh RT, Mặt trận Al-Nusra đã tập hợp khoảng 6.000 tay súng để chuẩn bị tiến hành vụ tấn công lớn ở tỉnh Aleppo. Trong khi đó, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm một loạt vụ đánh bom tại Tartous và Tartus khiến gần 150 người thiệt mạng hôm 23-5. Theo ông Toner, sự gia tăng bạo lực ở Syria do IS và lực lượng ông Assad gây ra đang khiến Mỹ lo ngại.
Những chuyến đi bí mật
Trong bối cảnh đó, thông tin về chuyến đi bí mật của Tướng Joseph Votel, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm (CENCOM) của Mỹ, đến khu vực này trong những ngày cuối tuần rồi khiến dư luận chú ý. Báo Hurriyet đưa tin ông Votel đã bất ngờ đến thủ đô Ankara - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22-5 để hội đàm với các tướng lĩnh và quan chức ngoại giao nước chủ nhà. Nội dung thảo luận là kế hoạch tấn công TP Raqqa - thành trì của IS tại Syria.
Trước đó một ngày, ông Votel đã bí mật đến TP Ayn Al-Arab, còn gọi là Kobane, tại miền Bắc Syria. Tại đây, vị tướng này đã gặp các cố vấn quân sự Mỹ và thủ lĩnh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cũng như tìm hiểu những nỗ lực củng cố lực lượng địa phương đang chống IS.
Ông Votel trở thành quan chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ hiện diện ở Syria kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống IS năm 2014. Phát biểu với các phóng viên đi cùng, vị tướng này cho biết Mỹ phải làm việc với các đồng minh trên mặt đất để chống lại IS.
Đáng chú ý, ông Votel khẳng định ưu tiên quân sự rõ ràng của Washington lúc này vẫn là đánh bại IS, không phải lật đổ Tổng thống Assad. Ông Brett McGurk, đặc phái viên Mỹ trong liên quân chống IS, tiết lộ thêm một trong những mục đích chuyến đi kéo dài 11 giờ này là chuẩn bị cho chiến dịch tấn công tái chiếm Raqqa bị IS chiếm giữ từ năm 2013.
Trước đó, có thông tin SDF đang chuẩn bị mở cuộc tấn công quyết định vào Raqqa trong những ngày tới với sự hỗ trợ từ trên không của liên quân. Vào giữa tháng này, ông McGurk cũng âm thầm đến Syria để thảo luận với SDF về chiến lược đánh bại IS nhằm “giải phóng Raqqa, Manbij và Jarabulus” - theo lời một đại diện SDF.
Bình luận (0)