Bốn máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Hải quân Mỹ hôm 22-6 đã tới Philippines. Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, các máy bay sẽ tham gia hoạt động đào tạo với phi công của Không quân Philippines.
Trước đó, Mỹ cũng điều 5 máy bay A-10 Warthog (dùng cho các sứ mệnh hỗ trợ trên klhông) tới quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh Washington chuẩn bị tiếp cận 5 căn cứ ở Philippines.
Vào thời điểm Mỹ và Philippines ký thỏa thuận quốc phòng nâng cao, nhiều chuyên gia quân sự cảm thấy bất ngờ vì 4/5 căn cứ Philippines cho Mỹ sử dụng là căn cứ không quân và không có cảng biển nào.
Tạp chí The National Interest giải thích Washington ưu tiên triển khai máy bay thay vì tàu chiến là có mục đích rõ ràng.
A-10 Warthog không được sử dụng trong các trận không chiến với Trung Quốc nhưng có khả năng bay qua không phận quốc tế gần bãi cạn Scarborough (đang tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh). Chúng cũng thể hiện cam kết của Lầu Năm Góc nhằm tạo ra một vùng không phận mở dành cho tất cả mọi người.
Phát ngôn viên lực lượng không quân thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Damien Pickart cho biết máy bay A-10 Warthog phù hợp với sứ mệnh bảo vệ tự do hàng không và hàng hải phía trên không phận hoặc gần các đảo tranh chấp tại biển Đông. Khi cần, nó có có thể tiến hành không kích.
Trong khi đó, EA-18 Growler được thiết kế để hoạt động tầm cao với tốc độ nhanh. Chúng được tối ưu hóa để đối phó với mối đe dọa đến từ những cơ sở quân sự Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam,
Growler là thế hệ máy bay tác chiến điện tử hiện đại do Công ty Boeing phát triển. Cất cánh từ Căn cứ không quân Clark của Philippines, máy bay này có khả năng làm nhiễu, thậm chí phá hủy radar được Trung Quốc đặt trên các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông.
Tóm lại, theo The National Interest, việc Mỹ triển khai Warthog và Growler ở Philippines nhằm chuyển tải một thông điệp quan trọng tới Trung Quốc: Nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, Washington sẽ khiến cho Bắc Kinh không thể nào thực thi nó. Vấn đề ở đây là Mỹ cần thuyết phục Trung Quốc rằng họ không chỉ dọa xuông mà sẵn sàng hành động khi cần.
Trong khi đó, việc Trung Quốc phản ứng ra sao trước phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) và liệu nước này có cải tạo bãi cạn Scarborough hay không sẽ cho người ta thấy được họ hiểu thông điệp trên của Mỹ thế nào.
Bình luận (0)