Nói về thỏa thuận chia sẻ căn cứ, trong đó kêu gọi phát triển 5 căn cứ quân sự để các lực lượng Mỹ luân phiên đồn trú, hai nước cho đến giờ vẫn chưa thống nhất được các chi tiết.
Những người ủng hộ thỏa thuận này lo ngại chính quyền mới của ông Duterte có thể gây trì hoãn quá trình triển khai hoặc thậm chí vô hiệu hóa thỏa thuận này. Dĩ nhiên một quyết định như thế sẽ khiến ông Duterte phải đối mặt sự phản đối quyết liệt.
Giáo sư Virginia Bacay Watson của Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) cho rằng cứ xem tân Tổng thống Rodrigo Duterte bổ nhiệm ai làm bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính thì sẽ biết ý định của ông về thỏa thuận Mỹ-Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (thứ 2 từ trái qua) và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin (thứ 2 từ phải qua) thăm tàu USS John Stennis tuần tra biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: INQUIRER
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết: “Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Philippines để soạn thảo các dự thảo dự án nhằm cải thiện các cơ sở, hạ tầng quân sự tại 5 căn cứ để nơi đây trở thành địa điểm huấn luyện có giá trị cao cho quân đội Philippines và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương”.
Ông Bill Urban cho biết trong các hạng mục nâng cấp đang được xem xét có việc sửa chữa và mở rộng đường băng, lập kho hàng dự trữ đối phó thảm họa và kho xăng dầu. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ chưa rõ khi nào các đề xuất được thông qua. Thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự được xem là đánh dấu kỷ nguyên mới trong quan hệ quân sự Mỹ-Philippines.
Hôm 15-5, ông Duterte nói muốn thiết lập mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Theo ông này, đại sứ Trung Quốc và Nhật Bản tại Manila sẽ là 2 trong 3 đại sứ nước ngoài đầu tiên mà ông dự định sẽ gặp mặt trong ngày 16-5. Tuy nhiên, ông khẳng định chưa có kế hoạch tiếp đón đại sứ Mỹ.
Ông Duterte nhấn mạnh sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ theo hướng đa phương. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử là để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc nếu các biện pháp đàm phán khác thất bại.
“Nếu con thuyền đàm phán vẫn đứng nguyên, không có gió để đẩy con thuyền này đi, tôi có thể phải quyết định đàm phán song phương với Trung Quốc” - ông Duterte nói.
Bình luận (0)