Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấm các hãng hàng không Mỹ bay tới Israel trong vòng 24 giờ. 3 hãng Delta Airlines, United Airlines và US Airways đã tuân thủ.
Các hãng hàng không châu Âu cũng khuyến cáo các chuyến bay tránh bay qua không phận Tel Aviv. Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) “mạnh mẽ khuyến cáo” các hãng hàng không nên tránh bay tới và đi từ thành phố Tel Aviv.
Thậm chí các hãng Swiss International Airlines (Thụy Sĩ), Germanwings (Đức) và Austrian Airlines (Áo) quyết định ngưng các chuyến bay tới Israel từ 20-7. Ngoài ra, các hãng hàng không KLM (Hà Lan), Air France (Pháp), Lufthansa (Đức), EasyJet (Anh), Air Canada (Canada), Alitalia (Ý) cũng chuyển hướng không bay qua lãnh thổ Israel.
Hơn 600 người thiệt mạng
Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho hay hơn 600 người Palestine thiệt mạng và khoảng 3.640 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel. Theo Đài BBC, 30 lính Israel bị giết chết sau nửa tháng giao tranh.
Bộ Ngoại giao Đức hôm 22-7 xác nhận một gia đình bảy người quốc tịch Đức đã thiệt mạng ở Dải Gaza, gồm người cha 53 tuổi, người mẹ 47 tuổi cùng năm đứa trẻ tuổi từ 4-12.
Đang có mặt tại Cairo - Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ lo ngại về số người Palestine thương vong. Theo ông, Mỹ đang gửi 47 triệu USD viện trợ đến Gaza. Tuy nhiên, ông nói Mỹ ủng hộ chiến dịch quân sự "đúng đắn và hợp pháp" của Israel.
Thông báo cấm được đưa ra sau khi có thông tin tên lửa của phong trào Hồi giáo Hamas (Palestine) ở Dải Gaza có thể vươn tới thành phố Tel Aviv. Một quả rốc-két của Hamas đã rơi xuống cách sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv khoảng 1,6 km hôm 22-7, phá hủy 1 ngôi nhà và làm 1 người bị thương.
Ngay sau khi lệnh cấm được công bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu Mỹ gia hạn các chuyến bay tới Israel, đồng thời đề nghị Ngoại trưởng Mỹ John Kerry giúp dỡ bỏ lệnh cấm từ FAA với cam kết sẽ giám sát trên cao cho các chuyến bay bay gần khu vực xung đột.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Israel cho biết: “Sân bay Ben Gurion cực kỳ an toàn và đang nằm dưới sự bảo vệ của lực lượng an ninh. Không có lý do gì để các công ty Mỹ ngừng các chuyến bay tới đây”.
Ông Isaac Yeffet, cựu giám đốc an ninh của hãng hàng không El Al (Israel) nói: "Israel không yếu đến nỗi thế giới phải lo ngại chúng tôi sẽ bị hủy diệt như thế chứ".
Sau vụ máy bay MH17 của Malaysia “bị bắn hạ” ở miền Đông Ukraine, Mỹ cấm các chuyến bay quốc tế bay qua không phận Ukraine, Triều Tiên vì lo sợ bị tên lửa vô tình bắn trúng. Mặc dù đại diện của Israel tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tuyên bố như đinh đóng cột rằng hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt của Israel có tầm bao phủ 100 % quanh sân bay Ben Gurion nhưng Washington vẫn lên kế hoạch phòng ngừa cho chắc chắn.
Bình luận (0)