Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, một người Shiite, trao thêm quyền cho các đối thủ chính trị khi ông đến thủ đô Baghdad hôm 23-6. Các quan chức Iraq tiết lộ với hãng tin AP rằng ông Maliki lặp lại đề nghị Mỹ không kích phiến quân nhưng ông Kerry lo ngại điều này sẽ gây thương vong cho dân thường.
Một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Ngoại trưởng Kerry không yêu cầu Thủ tướng Maliki từ chức dù một số chính khách ở Mỹ và các nước Ả Rập theo dòng Sunni ở Trung Đông đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên, ông Kerry hối thúc Thủ tướng Maliki nhanh chóng đáp ứng những đòi hỏi về việc làm, quyền lợi và hệ thống pháp lý công bằng đối với người Sunni và người Kurd.
Ngoài cuộc gặp Thủ tướng Maliki, Ngoại trưởng Kerry gặp giáo sĩ Shiite có nhiều ảnh hưởng Ammar al-Hakim, nhân vật lãnh đạo đảng chính trị của người Shiite; Chủ tịch quốc hội al-Nujaifi, một trong những người Sunni nắm giữ chức vụ cao nhất ở Iraq và Ngoại trưởng Hoshyar Zebari, một người Kurd. Sau các cuộc gặp trên, ngoại trưởng Mỹ cam kết: “Sự ủng hộ (của Washington) sẽ mạnh mẽ và liên tục. Nếu các nhà lãnh đạo Iraq đoàn kết được đất nước thì sự ủng hộ trên sẽ hiệu quả”.
Hãng tin AP nhận định nội bộ Iraq còn đang rối ren bởi quốc hội mới được bầu hồi tháng 4 năm nay vẫn chưa chọn ra nội các. Giới chức Mỹ cảnh báo ông Maliki và các quan chức Iraq khác có thể khiến tình hình thêm bất ổn nếu trì hoãn việc thành lập một chính phủ mới gồm nhiều thành phần, thúc đẩy quyền lợi của mọi sắc tộc và giáo phái ở Iraq. Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và đại giáo chủ Ali al-Sistani, vị giáo sĩ dòng Shiite hàng đầu ở Iraq, đều thúc giục ông Maliki nhanh chóng làm điều này.
Trong lúc ông Kerry bàn bạc với giới chức Baghdad thì phiến quân Sunni đã mở rộng kiểm soát các thành phố ở phía Bắc và Tây Iraq. Reuters đưa tin các bộ lạc Sunni đã giành quyền kiểm soát Turbail thuộc tỉnh Anbar, một cửa khẩu lớn giữa Iraq và Jordan vào cuối ngày 22-6. Tuy nhiên, đài BBC cho hay mọi cửa khẩu qua Syria và Jordan đều đã rơi vào tay phiến quân.
Thành phố chiến lược Tal Afar và sân bay bên trong cũng thất thủ. Tal Afar án ngữ trục đường chính từ biên giới Syria đi Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Do đó, mất sân bay ở Tal Afar cũng đồng nghĩa với việc mất đi hy vọng tái chiếm Mosul của quân chính phủ Iraq. Ngoài ra, quân nổi dậy đang bao vây con đập quan trọng Haditha trong khi quân đội vũ trang hạng nặng đã tập trung lực lượng bảo vệ đập.
Trong một diễn biến khác, 70 tù nhân đã thiệt mạng khi đoàn xe chở họ bị phiến quân tấn công gần TP Hillah, phía Nam Baghdad. Theo nguồn tin cảnh sát, toàn bộ tù nhân bị buộc tội khủng bố và được đưa xuống phía Nam để bảo đảm an ninh. Nhiều cảnh sát và 6 tay súng cũng bị bắn chết.
Thẩm phán xử treo cổ S. Hussein bị xử tử?
Báo International Business Times (Ấn Độ) hôm 23-6 đưa tin ISIL đã xử tử chánh án Tòa án Hình sự tối cao Iraq Raouf Abdel-Rahman. Tờ Al-Mesyroom dẫn tuyên bố trên Facebook của nghị sĩ Jordan Khalil Attieh cho rằng vụ xử tử diễn ra hôm 18-6 nhằm trả đũa vị thẩm phán đã phán quyết treo cổ cựu Tổng thống Saddam Hussein hồi năm 2006.
Chính phủ Iraq chưa xác nhận ông Rahman bị sát hại nhưng cũng không bác bỏ tin ông bị ISIL bắt cóc từ hôm 16-6. Theo lời nghị sĩ Attieh, ông Rahman cải trang để trốn khỏi Baghdad nhưng không thành công. Ông này nhậm chức năm 2006 sau khi người tiền nhiệm Rizgar Mohammed Amin bị báo giới Iraq chỉ trích quá nhẹ tay trong lúc xử Saddam Hussein. Tuy nhiên, phán quyết của ông Rahman cũng lại bị lên án là thiếu công tâm vì quê hương ông - thị trấn Halabja của người Kurd - từng là mục tiêu của cuộc tấn công khí độc năm 1988 do Hussein ra lệnh.
Đỗ Quyên
Bình luận (0)