Nhà lãnh đạo mới nhất phát đi thông điệp không nhượng bộ Washington là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trả lời phỏng vấn đài ARD hôm 10-6, bà Merkel cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ theo chân Canada trong việc thực thi những biện pháp đáp trả quyết định đánh thuế nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đề cập nỗi lo nhà lãnh đạo Mỹ sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế lên xe hơi Đức, bà Merkel cho biết sẽ nỗ lực ngăn điều này xảy ra. Nếu không, bà bày tỏ hy vọng EU sẽ đoàn kết trong việc phản ứng lại Mỹ.
Phát biểu cứng rắn của bà Merkel được đưa ra theo sau cuộc gặp căng thẳng giữa ông Trump và các lãnh đạo khác tại G7. Dù nhận định kết quả hội nghị không đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương song bà Merkel lặp lại rằng châu Âu không còn có thể dựa vào đồng minh Washington và nên tự quyết định số phận của mình.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hôm 8-6 Ảnh: REUTERS
Ông chủ Nhà Trắng rời hội nghị sớm hôm 9-6 nhưng không quên cảnh báo đến các đồng minh rằng họ sẽ đối mặt hậu quả nếu không dỡ bỏ rào cản thương mại với Mỹ. Sau khi đến Singapore để chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump hôm 11-6 tiếp tục chỉ trích các đồng minh trên mạng xã hội.
Ông cáo buộc Canada đánh thuế không công bằng lên sản phẩm bơ sữa Mỹ và cho rằng "giờ nên gọi thương mại công bằng là thương mại ngu ngốc nếu không có đi có lại". Ông cũng nhấn mạnh Mỹ "không thể để bạn bè, hoặc kẻ thù, tiếp tục lợi dụng về vấn đề thương mại" và "phải đặt người lao động Mỹ lên trên hết".
Chưa hả giận, ông Trump còn công kích các thành viên NATO về chi tiêu quân sự. Ông đặc biệt nhằm vào đóng góp của Đức khi cho rằng nước này chỉ chi 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho NATO trong khi với Mỹ, con số này là 4% GDP - điều bị ông cho vô lý.
Reuters nhận định những lời lẽ cứng rắn của ông Trump nhằm vào các đồng minh dường như nhằm lôi kéo sự ủng hộ của những cử tri tán thành chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông.
Tuy nhiên, xu hướng theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn của ông chủ Nhà Trắng khiến các thị trường tài chính lo lắng về nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại toàn cầu. "Niềm tin của doanh nghiệp, cũng như chi tiêu vốn, đang gặp rủi ro nếu căng thẳng tiếp tục suốt mùa hè này. Điều này có thể phủ bóng lên tăng trưởng toàn cầu vốn hồi phục trong những tuần gần đây sau sự khởi đầu chậm chạp năm nay" - ông Tai Hui, chuyên gia về Công ty Quản lý tài sản J.P. Morgan (Mỹ) nhấn mạnh với Reuters.
Trong nỗ lực xua tan những nỗi lo nói trên, đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell hôm 11-6 tin rằng cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và các đồng minh có thể được giải quyết nhưng cần chút thời gian.
Bình luận (0)