Theo hãng tin AFP, phái đoàn Triều Tiên do Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-Gwan dẫn đầu đã rời Bình Nhưỡng hôm 21-2 và sẽ tiếp xúc với điều phối viên về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là Glyn Davies.
Đây là cuộc đàm phán song phương lần thứ ba kể từ tháng 7-2011, sự kiện dự kiến diễn ra vào cuối năm ngoái nhưng bị hoãn lại do nhà lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời vào ngày 17-12-2011. P
hía Mỹ cũng muốn thăm dò về định hướng trong chính sách của nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un dù trước đó Bình Nhưỡng đã tuyên bố không có thay đổi lớn. Lâu nay, Triều Tiên muốn mở lại đàm phán vô điều kiện, trong khi Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng cần thể hiện sự chân thành trước như ngưng chương trình làm giàu hạt nhân.
Trưởng đoàn đàm phán của CHDCND Triều Tiên Kim Kye-Gwan. Ảnh: AFP
Hãng tin AP dẫn nhận định của chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam ở Hàn Quốc là Kim Keun-Sik: “Triều Tiên đến với bàn thương lượng chứng tỏ họ giữ vững được ổn định nội bộ nhưng chúng ta không thể xác định ngay mối liên quan giữa sự ổn định này và kết quả đàm phán”.
Giới chuyên gia cho rằng ông Kim Jong-Un phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trường kỳ và đặc biệt là trong khoảng thời gian nhạy cảm, sắp đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà cách mạng Kim Nhật Thành (1912-1994) vào ngày 15-4.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak tuyên bố hôm 22-2 rằng Triều Tiên được đặt dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-Un mang đến cơ hội “thay đổi cho tương lai tốt đẹp hơn” và Seoul sẽ kiên nhẫn trong quan hệ liên Triều. Ông nói nếu Triều Tiên đàm phán với “thái độ thành thật” thì Seoul “hoan nghênh điều đó và thương thảo với tấm lòng rộng mở”.
Bình luận (0)