Tuyên bố trên được người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đưa ra ngày 8-9 song ông không đề cập các phương án cụ thể. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Peter Boogaard cùng ngày cũng cho biết trong các biện pháp mà Mỹ đang tích cực xem xét có cả tái định cư người tị nạn”.
Ngày 9-9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thông báo ngắn gọn kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria cho các Ủy ban Tư pháp của Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Cam kết trên của Nhà Trắng được đưa ra sau khi Mỹ bị chỉ trích là không làm đủ bổn phận để cùng xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ cuộc chiến Syria, Iraq, châu Phi và các quốc gia loạn lạc khác.
Tỉ phú Trump gây bất ngờ
Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, tỉ phú Donald Trump, cho rằng Mỹ nên chấp nhận một số người tị nạn từ Syria. “Tôi không thích điều này nhưng về mặt nhân đạo, với những gì đang xảy ra, bạn phải làm thế” - ông Trump phát biểu trên kênh Fox News ngày 8-9.
Đây được xem là tuyên bố gây bất ngờ vì ông Trump, với lập trường bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ, thường lên tiếng không mấy thiện cảm về người nhập cư. Hồi tháng 7 qua, ông khẳng định những người nhập cư lậu từ Mexico mang theo tội phạm và ma túy đến nước Mỹ.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết chính quyền Obama không muốn mở cửa lãnh thổ Mỹ. Khi được hỏi về việc nhận thêm người Syria, ông Earnest chỉ nói “đang xem xét”. Tiến trình này rất chậm chạp và người tị nạn phải chờ 3 năm mới biết có được nhận vào Mỹ hay không. Trong 4 năm rưỡi nội chiến Syria, Mỹ chỉ tiếp nhận khoảng 1.500 người dân nước này, quá nhỏ nếu so với 11,6 triệu người phải rời bỏ Syria, theo AP.
Cho tới nay, chính quyền Obama vẫn chưa cho biết liệu họ có thay đổi chính sách tiếp nhận thêm người tị nạn, hiện ở mức 70.000 người/năm và chỉ số ít trong đó là người Syria, hay không.
Mỹ từng tiếp nhận hàng chục ngàn người Hồi giáo ở Albani năm 1999, hơn 50.000 người tị nạn suốt cuộc chiến Iraq… Nhưng với Syria, tâm lý của họ là không phải chịu trách nhiệm bởi Mỹ đã “cố tránh cuộc chiến này”, theo AP. Trước câu hỏi Mỹ có cảm thấy phải chung tay gánh vác cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu hay không, ông Earnest nhấn mạnh Mỹ là nước viện trợ nhân đạo cho Syria nhiều nhất, lên tới 4 tỉ USD, và luôn thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để đạt giải pháp hòa bình.
Một khía cạnh khác, theo Hạ nghị sĩ Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện, Mỹ còn có trách nhiệm bảo vệ người dân trong nước. Theo ông, khủng bố từng len lỏi vào dân nhập cư để xâm nhập Mỹ.
Trong khi đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính ít nhất 850.000 người tị nạn vượt Địa Trung Hải vào châu Âu trong 2 năm tới, bao gồm 400.000 người năm 2015 và khoảng 450.000 người năm 2016.
Người phát ngôn của UNHCR, ông William Spindler, cho biết lượng người di cư tới châu Âu từ đầu năm đến nay đã lên đến 366.000 người và mỗi ngày tăng thêm hàng ngàn người. Theo ông Peter Sutherland, đại diện đặc biệt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về di cư và phát triển, các nước khác như Mỹ, các đại gia vùng Vịnh và Nhật cũng phải chia sẻ trách nhiệm.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 9-9 thông báo nước này sẽ tiếp nhận 12.000 người tị nạn Syria cũng như bắt đầu không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria trong tuần này. Theo ông, phụ nữ, trẻ em và các gia đình thuộc sắc tộc thiểu số đang tị nạn ở Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được ưu tiên.
Chi phí cho việc tiếp nhận này vào khoảng 700 triệu USD và kéo dài trong 4 năm tới. Hiện tại Úc có 13.750 người tị nạn. Ngoài ra, Úc chi 44 triệu USD để cung cấp tiền mặt, thực phẩm và chăn mền cho 240.000 người tị nạn tại Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Bình luận (0)