Trở về Kuwait – nước trung gian hòa giải mối bất hòa giữa các quốc gia Vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về các cuộc đàm phán tại TP Jeddah - Ả Rập Saudi.
Hôm 12-7, ông Tillerson ký một thoả thuận giữa Mỹ và Qatar, nội dung đề cập tới các hành vi tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập có vẻ không muốn nhượng bộ.
Họ cho rằng thỏa thuận này "không thích hợp", sau đó tiếp tục yêu cầu Qatar đáp ứng 13 điều kiện – gồm hạn chế quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera ở Doha, đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar và bàn giao tất cả những "kẻ khủng bố" trên lãnh thổ nước này. Đài Al Jazeera bị cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái.
Reuters dẫn lời một quan chức UAE cấp cao phát biểu trước khi diễn ra các cuộc đàm phán tại TP Jeddah: "Bất kỳ giải pháp nào cũng phải giải quyết được tất cả những vấn đề chính của Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tham dự đàm phán tại TP Jeddah - Ả Rập Saudi hôm 12-7. Ảnh: SPA
Bốn nước trên cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời tạm ngưng các dịch vụ hàng không và hàng hải với Qatar vì cáo buộc Doha "tài trợ khủng bố và liên hệ Iran". Cả 5 quốc gia đều là đồng minh của Mỹ.
Ngoại trưởng Tillerson đã gặp các bộ trưởng ngoại giao của Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập cũng như gặp riêng Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi để thảo luận về việc hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và lĩnh vực tài chính.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ R.C. Hammond, ông Tillerson sẽ tới Qatar vào ngày 13-7 để trình bày cho Quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani nội dung các cuộc đàm phán ở TP Jeddah.
Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed al-Nahayan nói với các phóng viên trong chuyến thăm Slovakia rằng nỗ lực của ông Tillerson dường như không thể giải quyết được vấn đề. "Tôi nghĩ nó sẽ làm dịu căng thẳng nhưng chỉ là trì hoãn tạm thời và sẽ căng thẳng trở lại trong tương lai" – ông al-Nahayan nhận định.
Chuyên gia phân tích rủi ro tại Trung tâm Chính sách an ninh Geneva (Thụy Sĩ), Jean-Marc Rickli, cho biết cuộc khủng hoảng giữa các quốc gia vùng Vịnh đã vượt quá vấn đề tài trợ khủng bố. Thay vào đó, nó chỉ ra mối lo ngại về vai trò của Iran, những bất ổn nội bộ, ảnh hưởng của phong trào Anh em Hồi giáo (Ai Cập) cũng như cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực.
"Bất kể kết quả là gì, một trong hai bên sẽ bị mất thể diện, điều quan trọng trong thế giới Ả Rập. Hậu quả trong tương lai sẽ rất tiêu cực" – chuyên gia Rickli nói.
Pháp cũng sẽ gửi bộ trưởng ngoại giao tới vùng Vịnh – bao gồm Qatar và Ả Rập Saudi - vào ngày 15 và 16-7 để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.
Bình luận (0)