Theo đài BBC ngày 22-10, ông Bolton là một trong những người ủng hộ Mỹ rút khỏi INF, dựa trên thông tin mà báo The Guardian đã đưa. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Nga vi phạm hiệp ước này, trong đó giới hạn tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung của Mỹ và Nga.
Khi ông Bolton bắt đầu chuyến thăm Nga vào ngày 22-10, Điện Kremlin cảnh báo họ sẽ thực hiện các bước để duy trì sự cân bằng quyền lực hạt nhân.
"Chúng tôi cần Mỹ giải thích về vấn đề này" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Loại bỏ hiệp ước buộc Nga phải thực hiện các biện pháp an ninh của riêng mình".
Tuy nhiên, ông Peskov cho biết đến thời điểm hiện tại, Mỹ chưa thực hiện các bước cụ thể nào để rút khỏi hiệp ước. Nếu có, ông Peskov nhận định điều đó sẽ làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Reuters
Tại Moscow, ông Bolton dự kiến tham dự các cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và những quan chức cấp cao khác trong hai ngày đàm phán được dự báo là khá căng thẳng.
INF được ký vào năm 1987 bởi cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào những năm cuối cùng của chiến tranh lạnh.
Hiệp ước cấm phóng tên lửa tầm trung (cả hạt nhân lẫn thông thường) từ mặt đất (khoảng cách 500-5.500 km) nhằm làm giảm mối đe dọa của tên lửa Liên Xô đối với các quốc gia châu Âu.
Các chính trị gia, nhà phân tích và phương tiện truyền thông Nga cho rằng chính Tổng thống Donald Trump, chứ không phải Moscow, đang gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu bằng cách đe dọa rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt nói trên.
Trên thực tế, INF cũng bị một số nhà phê bình ở Nga lên án và xem là "di sản thời chiến tranh lạnh". Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng đe dọa từ bỏ INF và cáo buộc Mỹ không tuân thủ hiệp ước.
Hồi năm 2014, cựu Tổng thống Barack Obama công khai cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước nhưng cuối cùng không rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Hôm 21-10, ông Gorbachev bày tỏ lo ngại nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước INF sẽ làm đảo lộn nỗ lực giải trừ hạt nhân. Song Mỹ nhấn mạnh Nga mới là nước vi phạm thỏa thuận vì phát triển một tên lửa tầm trung mới gọi là Novor 9M729 (NATO gọi là SSC-8).
Bình luận (0)